Mua hàng kèm giải trí và livestream đang dần trở thành hình thức phổ biến. Ảnh: Lazada |
Hình thức mua hàng kèm giải trí ngày càng phổ biến
Sau đại dịch Covid-19, thương mại điện tử phát triển ngày càng mạnh mẽ và dần trở thành nền tảng kết nối trực tiếp người mua và người bán được ưa chuộng. Đặc biệt là hình thức vừa mua hàng vừa giải trí (shop entertainment) hay livestream đang ngày càng phổ biến hơn trên các trang mạng xã hội.
Những hình thức này đều đang nở rộ ở Trung Quốc, quốc gia tỷ dân có nền thương mại điện tử phát triển rất nhanh. Tại Tọa đàm Xúc tiến Thương mại Quốc tế 4.0 và Mô hình kết nối giao thương Việt - Trung trong bối cảnh mớingày 29/9, ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng làng Marketing (MarTech) của Techfest 2022, cho rằng đây có thể là xu hướng sẽ sớm phổ biến ở Việt Nam và các doanh nghiệp cần chuẩn bị để đón đầu xu hướng này.
Xu hướng trên bắt đầu được manh nha phát triển mạnh khi TikTok cho ra đời kênh bán hàng ngay trên nền tảng mạng xã hội của mình, giúp người dùng vừa mua hàng, vừa xem video giải trí mà không cần di chuyển ra khỏi ứng dụng.
Ông Tạ Văn Lợi, Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh BTC |
Theo phân tích của ông Tạ Văn Lợi, Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện nay, các sàn thương mại điện tử như Taobao thịnh hành ở Trung Quốc và Shopee ở Việt Nam đều đang ứng dụng mô hình thương mại điện tử cơ bản theo định hướng “tìm kiếm sản phẩm”. Nghĩa là hành trình của người dùng trên mô hình này sẽ bao gồm việc tìm kiếm, tham khảo thông tin và mua hàng trên sàn thương mại điện tử.
Tuy nhiên, mô hình thương mại điện tử mới theo cách làm của TikTok sẽ tích hợp toàn bộ quy trình từ bước tiếp cận sản phẩm đến bước mua hàng cuối cùng, giúp khách hàng không phải chuyển đổi nền tảng để mua hàng. Đồng thời, dựa vào “sở thích” làm đầu mối để tiếp cận và tìm kiếm các sản phẩm tiềm năng, thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo đó, người mua hàng sẽ bị thu hút bởi nội dung trong video ngắn hoặc sản phẩm được review bởi các KOL và nảy sinh tâm lý muốn mua hàng. Bằng thuật toán của nền tảng, TikTok giúp “sản phẩm tìm đến người mua” một cách phù hợp với sở thích người dùng, giúp gia tăng khả năng bán được hàng cho doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia tại Tọa đàm, hiện nay hình thức này rất phổ biến tại Trung Quốc với rất nhiều người ứng dụng livestream để bán hàng, từ hàng nông sản, gia dụng tới thời trang và các mặt hàng khác đều được đưa lên bán theo hình thức này với lượt xem trực tiếp rất cao.
Doanh nghiệp cần chuẩn bị chiến lược kỹ cho chuyển đổi số
Đánh giá rằng hình thức trên có thể trở thành một xu hướng mua sắm của người tiêu dùng Việt, đặc biệt là người trẻ tuổi, ông Nguyễn Văn Minh cho rằng doanh nghiệp cần chú trọng hơn tới marketing 4.0 để đón đầu xu thế vừa mua hàng vừa giải trí.
Marketing 4.0 là phương pháp kết hợp giữa tương tác trực tuyến và trực tiếp giữa doanh nghiệp và khách hàng, nhằm xây dựng thương hiệu và tăng cường cam kết gắn bó của khách hàng với doanh nghiệp.
Trong marketing 4.0, khách hàng được liên kết với nhau qua mạng xã hội, với khả năng chia sẻ và đánh giá dễ dàng về hoạt động, dịch vụ chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp. Hình thức này không chỉ kết nối doanh nghiệp và khách hàng mà còn giúp các hoạt động marketing online của doanh nghiệp có sức lan tỏa lớn hơn, nhanh hơn, tiết kiệm chi phí.
Mua hàng kèm giải trí (shop entertainment) đang là hình thức thương mại phổ biến tại Trung Quốc với lượt tiếp cận cao. Ảnh: BTC |
Còn theo ông Nguyễn Huyền Minh, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ đối ngoại, Đại học Ngoại Thương, để chuyển đổi số hiệu quả, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về thị trường, xây dựng chiến lược kinh doanh, chuẩn bị sản phẩm phù hợp thị trường mà doanh nghiệp hướng đến. Tránh việc đầu tư dàn trải, ồ ạt hoặc sai nhu cầu thị trường.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu, áp dụng các nền tảng, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số nhanh, thích ứng với xu hướng thị trường. Đồng thời, ứng dụng các mô hình kết nối giao thương mới để kết nối thêm các đối tác và chuẩn bị nguồn nhân lực có kiến thức phù hợp để triển khai các mô hình kinh doanh mới.
Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2022 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam đã đạt mốc 13,7 tỷ USD năm 2021 và sẽ cán mốc 16,4 tỷ USD năm 2022.
Dự báo, với mức tăng trưởng hai con số như hiện nay, quy mô thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 sẽ đạt mức 39 tỷ USD. Tạo nên dư địa và khả năng phát triển rất lớn cho doanh nghiệp.