Theo Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu phân bón đạt 1,02 tỷ USD và 1,6 triệu tấn, tăng lần lượt 124% về trị giá và 34% về sản lượng so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là mức kim ngạch xuất khẩu phân bón cao nhất trong vòng một thập kỷ qua.
Năm 2022, do tình hình phân bón trên thế giới, xuất khẩu phân bón của Việt Nam vượt xa về lượng và do yếu tố về giá nên kim ngạch xuất khẩu tăng cao, chạm tới mốc 1 tỷ USD.
Doanh nghiệp phân bón “đua nhau” đạt doanh thu nghìn tỷ
Trong năm nay, các doanh nghiệp phân bón đầu ngành ghi nhận những kết quả lạc quan về xuất khẩu trong các tháng, góp phần không nhỏ vào kết quả xuất khẩu phân bón chung của Việt Nam năm 2022.
Mới đây, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HoSE: DCM) đã thông báo về kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp với 3.307 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế đạt 730 tỷ đồng, tăng lần lượt 82% và 95% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo DCM, trong quý III, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021. Giá bán phân bón tiếp tục neo cao ở mức 13.781 đồng/kg ure trong quý III/2022, tương ứng tăng 32,7%. Giá bán sản phẩm NPK cũng tăng hơn 20,4%, đạt 14.045 đồng/kg. Điều này đã góp phần làm tăng doanh thu bán hàng của doanh nghiệp.
Điều này đã góp phần kéo theo tổng doanh thu của DCM lũy kế 9 tháng đầu năm 2022 lên mức 11.465 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 89% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu xuất khẩu ure của doanh nghiệp đạt 4.255 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với trị giá năm 2021. Kết quả này đã kéo lãi ròng của doanh nghiệp lên mức 3.272 tỷ đồng, tương ứng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2021.
DCM có tiền thân là công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau, trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam được thành lập năm 2011. DCM chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ đầu năm 2015. Sản phẩm chủ lực của DCM là ure. Mới đây, nhà máy Đạm Cà Mau của doanh nghiệp đã chạm mốc sản xuất 9 triệu tấn ure sau 10 năm đi vào hoạt động. Ngoài ure, trong năm 2021, DCM cũng đưa vào hoạt động nhà máy NPK Cà Mau với công suất đạt trong năm đầu là 20.000 tấn (công suất xây dựng của nhà máy là 300.000 tấn/năm).
Tương tự, giá phân bón tăng cao đã góp phần đưa doanh thu của Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ, HoSE: DPM) 9 tháng đầu năm 2022 đạt 14.727 tỷ đồng, tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của DPM đạt 4.466 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Theo DPM, tình hình giá vật tư nông nghiệp tăng cao, giá nông sản không ổn định khiến sức mua trong nước rất yếu, tình hình kinh doanh nội địa của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, do giá phân bón thế giới tăng cao, doanh nghiệp đã đẩy mạnh xuất khẩu phân bón thời gian qua. Nhờ vậy, 9 tháng đầu năm 2022, Đạm Phú Mỹ xuất khẩu khoảng 155.000 tấn, gấp 3 lần so với kế hoạch đề ra trong năm 2022.
DPM là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Đạm Phú Mỹ có tiền thân là công đoàn công ty Phân đạm và Hóa chất dầu khí được thành lập vào năm 2004. Ngành nghề kinh doanh chính của DPM là sản xuất, kinh doanh phân bón và hóa chất. Hiện nay sản phẩm chủ lực của Tổng công ty là phân đạm (ure) hạt trong, phân NPK, Kali, SA, DAP… Năm 2011, Đạm Phú Mỹ chính thức chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Mặc dù giảm 16% sản lượng tiêu thụ trong quý III/2022 (tương ứng đạt 135.000 tấn phân bón tiêu thụ), CTCP Phân bón Bình Điền (HoSE: BFC) vẫn đạt 2.306 tỷ đồng doanh thu, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu do giá phân bón ở mức cao so với năm trước, góp phần giữ đà tăng cho doanh thu của BFC.
Cụ thể, giá bán trung bình quý III đạt 16.981 đồng/kg, tăng 52,5%. Trong bối cảnh cạnh tranh cao ở mảng NPK và nhu cầu thấp ở thị trường nội địa, BFC đã chủ động duy trì giá bán trong quý III/2022 tương đương với quý III/2021.
CTCP Phân bón Bình Điền (BFC) được thành lập năm 1973, tiền thân là công ty Phân bón Thành Tài (Thataco). Công ty chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và thương mại hóa chất nông nghiệp.