Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) có vốn tài trợ 36,3 triệu USD là chương trình hỗ trợ kỹ thuật lớn nhất từ trước tới nay cho khối tư nhân tại Việt Nam. Dự án thực hiện trong 5 năm (2020-2025) được chính thức khởi động từ đầu năm nay với mục tiêu cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho 5.000 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng, giúp nâng cao năng suất, tăng cường năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ…
Chia sẻ tại hội thảo “Giải pháp để doanh nghiệp nông nghiệp giao dịch xuyên biên giới an toàn và khai thác hiệu quả trợ lực từ dự án nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam” ngày 22/4, ông Rudi Schuetz, Cố vấn trưởng dự án cho biết, tầm nhìn của IPSC là hướng đến hỗ trợ các các doanh nghiệp tiên phong đổi mới sáng tạo, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia gia tăng, xây dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Các đối tượng ưu tiên của dự án, ngoài các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp còn có các doanh nghiệp ngành logistics; chế biến, chế tạo; du lịch/sản phẩm hỗ trợ; công nghệ thông tin. IPSC được kỳ vọng là bàn đạp cho các doanh nghiệp Việt, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, không chỉ hồi phục và bứt phá sau dịch bệnh mà còn là cơ hội để phát triển và định vị thành công thương hiệu Việt trên thị trường thế giới.
Mục tiêu của IPSC là giúp 5.000 doanh nghiệp nhận được hỗ trợ kỹ thuật (bao gồm 10% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và các doanh nghiệp kém thuận lợi); 240 doanh nghiệp tham gia vào thị trường khu vực và quốc tế; 60 doanh nghiệp tiên phong tạo ra các sản phẩm xuất khẩu mang thương hiệu "Made by Vietnam".
Chuyển đổi số nông nghiệp để khai thác hiệu quả trợ lực từ IPSC
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Tùng, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) nhấn mạnh, chuyển đổi số là con đường tất yếu để các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển và khai thác hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ dự án IPSC. Tuy nhiên, theo ông các nền tảng chuyển đổi số trong ngành hiện nay đều đang có tính tự phát, đứt gãy và thiếu tính toàn diện.
Bên cạnh đó, nguồn lực nhân sự và khả năng công nghệ số của các doanh nghiệp nông nghiệp cũng chưa được đồng đều. Năng lực tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp cũng là một trong những hạn chế do kỹ năng ngoại ngữ và các kỹ năng tìm hiểu thị trường khác.
“Cộng đồng các doanh nghiệp chỉ nâng tầm được khi chúng ta bắt tay nhau và đảm bảo được sự thích ứng thị trường. VIDA đang có một tham vọng là hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp một cách toàn diện nhất”, ông Tùng chia sẻ thêm.
Trong khi đó, với vai trò là một trong những đơn vị đi tiên phong trong việc cung cấp nền tảng nông nghiệp số, đại diện Tập đoàn công nghệ FPT nhận định, ngành nông nghiệp thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng dịch vụ. Theo đó, các mô hình dịch vụ nông nghiệp đang thay thế dần các mô hình khác như cho thuê máy móc, công nghệ, nhân sự, ứng dụng số hóa các thông tin ngành nông nghiệp.
Trong bối cảnh đó, theo Tập đoàn FPT, nông nghiệp Việt Nam cần đặt ra yêu cầu hình thành hệ sinh thái số dựa trên các nền tảng, mô hình, mạng lưới có sự gắn kết, tương tác và hỗ trợ qua lại giữa các mắt xích trong hệ sinh thái này. FPT khẳng định các nền tảng của tập đoàn này sẽ ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc và hoạt động xác thực giữa các khối chi phí trong chuỗi cung ứng nông nghiệp, trong hồ sơ doanh nghiệp của chuỗi cung ứng, cũng như trong các giao dịch kết nối dịch vụ.
Phương án sử dụng nền tảng số hóa do Tập đoàn FPT đề xuất này cũng có sự kết hợp sử dụng công nghệ AI trong phân tích và dự báo, tổng hợp, phân tích dữ liệu sản xuất nông nghiệp. Từ đó có thể đưa ra các cảnh báo, dự báo về hoạt động sản xuất trong nông nghiệp, giúp tránh tình trạng được mùa thì mất giá của nông sản kéo dài trong nhiều năm nay.
Tuy nhiên, ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) lại cho rằng phương án nền tảng số của Tập đoàn FPT có thể quá sức với các doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay. Theo ông Tuấn, với những gói hỗ trợ của IPSC đưa ra, thì khi bàn về giải pháp số hóa cho các doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ thì chỉ nên đề cập tới những giải pháp phù hợp thực tế, chưa cần tính quá xa xôi.
Theo Phó Chủ tịch Vinasa Phí Anh Tuấn, các phương án hỗ trợ đưa ra phải có sự kết nối giữa các hiệp hội với nhau, tạo ra mạng lưới cùng triển khai đồng bộ vì mỗi doanh nghiệp hay hiệp hội đứng riêng lẻ sẽ không thể làm được.
“Nếu chúng ta coi đó là những bài toán vĩ mô quá thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ khó tiếp cận. Sau khi họ có nhận thức nhất định rồi chúng ta mới nói đến khâu quản lý và khâu quản trị”.
Trong khi đó, dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh cũng cho rằng các bộ phận trong hệ sinh thái phải có sự kết nối với nhau. Theo doanh nhân từng được mệnh danh là "Vua hồ tiêu" này thì muốn được như vậy, các doanh nghiệp nông nghiệp cần phải tự trở thành một mắt xích trong hệ sinh thái đó để được hưởng lợi.
“Nền tảng nông nghiệp số của Tập đoàn FPT là điểm kết nối giữa các bên trong hệ sinh thái. Khi đi vào thực tế, các doanh nghiệp cần có tầm nhìn từ tổng thể để chi tiết trong vấn đề này và Phúc Sinh cũng đang làm hiện nay rồi. Chỉ mất một thời gian đầu khi tiếp cận, khi trải nghiệm người dùng đã dễ hiểu thì ứng dụng nền tảng số này không có gì cản trở”, ông chia sẻ thêm về thực tế doanh nghiệp mình.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT) đưa ra thêm một góc tiếp cận khác để khai thác tối đa trợ lực từ dự án IPCS. Theo bà Minh, cần hướng tới hỗ trợ cho cả cộng đồng nông nghiệp chứ không chỉ dừng ở hỗ trợ một vài doanh nghiệp. Đây là kinh nghiệm của nhiều nước, có thể áp dụng được với cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp Việt đang hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, rời rạc hiện nay.
“Các nền tảng công nghệ nên hỗ trợ cho cả cộng đồng nông nghiệp, vì một doanh nghiệp sẽ không thể bao quát được hết các hộ nông dân. Thủ tướng Phạm Minh Chính từng cam kết đưa phát thải ròng về 0 tại COP26, vì vậy dự án cũng nên hướng đến khơi dậy cộng đồng nông nghiệp đi theo hướng đó. Nếu chỉ hỗ trợ một vài doanh nghiệp thì sẽ sinh ra việc cạnh tranh lẫn nhau và không có sự phát triển cả cộng đồng”, bà Minh đưa ra đề xuất.
IPSC đang triển khai 6 gói hỗ trợ khối tư nhân Việt Nam:
Gói hỗ trợ thích ứng và tăng trưởng: Giúp các doanh nghiệp duy trì và cải thiện hoạt động kinh doanh trong bối cảnh COVID-19.
Gói mở rộng thị trường: Giúp mở rộng thị trường thông qua các kênh trực tiếp và trực tuyến.
Gói nâng tầm giá trị Việt: Tăng cường giá trị, tính độc đáo và riêng biệt trong các sản phẩm của Việt Nam.
Gói nâng cao năng lực tài chính: Nâng cao năng lực quản trị, kế toán và tiếp cận các sản phẩm tài chính đa dạng.
Gói số hóa hoạt động doanh nghiệp: Áp dụng các giải pháp số hóa phổ biến để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Gói giá trị Việt Nam vươn ra thế giới: Gói hỗ trợ cao cấp nhất của dự án chỉ dành cho 60 doanh nghiệp, trong đó đồng hành với những doanh nghiệp có sản phẩm mang giá trị Việt và có định hướng xuất khẩu. Gói này được thiết kế riêng theo nhu cầu và thách thức của từng doanh nghiệp.