Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của TPS đạt 9.370 tỷ đồng, tăng tới gần 40% so với thời điểm đầu năm. |
Cụ thể, trong quý 2/2023, công ty ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 922,3 tỷ, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 49 tỷ đồng, cao hơn nhiều khoản lỗ 129 tỷ đồng của thực hiện quý 2/2022.
Bóc tách cơ cấu doanh thu, cổ tức, tiền lãi phát sinh từ tài sản tài chính FVTPL chiếm tỷ trọng cao nhất khi tăng 193% lên 358 tỷ đồng, theo sau đó là doanh thu nghiệp vụ lưu ký chứng khoán với 273,6 tỷ đồng (tăng 215%), chênh lệch tăng về đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL (cùng kỳ lỗ 15,3 tỷ đồng).
Trong kỳ, chi phí hoạt động của TPS tăng 5% so với quý 2/2022 lên 733 tỷ đồng, trong đó lỗ bán các tài sản tài chính FVTPL là 536 tỷ đồng, chi phí nghiệp vụ lưu ký chứng khoán là 125,5 tỷ đồng, chi phí hoạt động tư vấn tài chính là 46 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của TPS đạt 1.621 tỷ đồng, tăng trưởng đáng kể so với con số 1.473 tỷ đồng của cùng kỳ 2022. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế của công ty đạt 137,4 tỷ đồng và 110 tỷ đồng, tăng lần lượt 16% và 19% so với cùng kỳ.
Năm 2023 TPS đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 2.831 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 230 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm, TPS đã hoàn thành 57% kế hoạch doanh thu và 59,7% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức vào tháng 4 vừa qua.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của TPS đạt 9.370 tỷ đồng, tăng tới gần 40% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương với tiền tăng từ 15 tỷ đồng lên 2.430,5 tỷ đồng, phải thu các dịch vụ CTCK cung cấp tăng từ 1.173 tỷ đồng lên 3.878 tỷ đồng.
Tài sản tài chính tại cuối quý 2 của TPS có giá trị thị trường là 1.564,4 tỷ đồng, giảm 152 tỷ đồng so với giá gốc và giảm 13% so với thời điểm đầu năm 2023. Trong đó, chiếm phần lớn là 637,9 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết, 395,9 tỷ đồng cổ phiếu chưa niêm yết, 391 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của TPS tăng 58% so với cuối năm 2022 lên 6.952,4 tỷ đồng. Trong đó nợ phải trả ngắn hạn tăng 183% lên 3.952 tỷ đồng, bao gồm các khoản phải trả, phải nộp ngắn hạn khác là 2.656 tỷ đồng, tăng 212%.
Đáng chú ý, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của TPS tăng mạnh từ 60 tỷ đồng lên 930 tỷ đồng. Thuyết minh BCTC cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, TPS đã tất toán 60 tỷ đồng tiền vay của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và vay Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) 930 tỷ đồng.
Vào ngày 14/6 vừa qua, HĐQT TPS cũng có nghị quyết thông qua việc vay vốn tại ABBank dưới hình thức cho vay theo hạn mức tín dụng, giá trị tối đa là 1.400 tỷ đồng, nhằm bổ sung vốn lưu động kinh doanh/bồi hoàn vốn tự có tự doanh chứng khoán đối với mục đích đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãi, trái phiếu chính quyền địa phương; chứng chỉ tiền gửi.