Báo cáo chiến lược đầu tư năm 2025 của Chứng khoán ACB (ACBS) cho thấy dòng tiền đầu tư toàn cầu rút khỏi các thị trường mới nổi, cận biên về thị trường Mỹ trở thành một làn sóng xuyên suốt năm 2024.
Làn sóng này tạm thời chững lại khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu hạ lãi suất. Tuy nhiên, sự kiện ông Donald Trump thắng cử tổng thống khiến Chỉ số đồng USD (DXY) tăng mạnh, cùng với quan điểm thận trọng của Fed về lộ trình hạ lãi suất năm 2025 sẽ khiến làn sóng này tiếp tục duy trì sang năm nay.
Trong bối cảnh đó, nền kinh tế và thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam bước vào năm 2025 với một vị thế không có nhiều thuận lợi từ môi trường vĩ mô thế giới ngày càng trở nên kém ổn định. Rủi ro lớn nhất đến từ vấn đề tỷ giá và khả năng suy giảm xuất khẩu nếu chiến tranh thương mại diễn biến theo chiều hướng bất lợi.
Tuy nhiên, để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực và bất định từ ngoại cảnh, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ các động lực trong nước. Đầu tư công được chú trọng trên nền tảng tinh giản bộ máy hành chính và kiện toàn văn bản pháp luật là những bước đi chiến lược. ACBS dự báo GDP 2025 của Việt Nam có thể đạt 7,0 - 7,5%.
Năm 2025 cũng là năm bản lề của thị trường chứng khoán Việt Nam với sự kiện được nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE sau 7 năm kể từ khi được vào danh sách theo dõi. Sự kiện này được đánh giá sẽ mang lại cho thị trường dòng vốn ngoại từ các ETF, quỹ chủ động, cũng như khả năng nâng nền định giá lên mức cao hơn, từ đó hỗ trợ đà tăng của các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Nhóm phân tích dự phóng lợi nhuận sau thuế năm 2025 của các doanh nghiệp niêm yết tăng 15 - 16%. Trong kịch bản cơ sở, nền định giá hợp lý của VN-Index sẽ tiếp tục bám sát P/E trung vị ba năm, tương ứng với vùng giao dịch 1.240 - 1.420 điểm trên nền thanh khoản tăng 15% so với bình quân năm 2024.
Ba chủ đề đầu tư lớn
Báo cáo chiến lược nêu ba chủ đề đầu tư lớn trong năm 2025 gồm: ảnh hưởng của chiến tranh thương mại lên nền kinh tế Việt Nam; nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam; thúc đẩy đầu tư công.
Chủ đề thứ nhất, với các chính sách của Tổng thống Trump, rủi ro tỷ giá có thể là yếu tố tiêu cực nhất tác động tới TTCK Việt Nam trong một số thời điểm của năm 2025.
Tuy nhiên, ACBS cho rằng, tác động từ các chính sách của nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump lên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được trung hòa, do các yếu tố như sự đan xen phức tạp giữa các yếu tố rủi ro và cơ hội ở từng nhóm doanh nghiệp đối với ảnh hưởng của chính sách thuế và tỷ giá; Việt Nam có thể giảm thiểu căng thẳng thương mại bằng việc đẩy mạnh nhập khẩu từ Mỹ.
Về nhóm ngành, chính sách thuế của ông Trump, theo ACBS dự kiến sẽ tác động lên nhóm doanh nghiệp xuất khẩu: thủy sản, dệt may, gỗ, đá nhân tạo, thép.
Chủ đề thứ hai, ACBS kỳ vọng FTSE sẽ thêm Việt Nam vào danh sách thị trường mới nổi thứ cấp sớm nhất vào kỳ đánh giá tháng 9/2025, việc nâng hạng sẽ chính thức có hiệu lực và các ETF sẽ bắt đầu mua vào cổ phiếu Việt Nam trong năm 2026.
Dù vậy, tỷ trọng Việt Nam trong nhóm thị trường mới nổi thứ cấp dự kiến không đáng kể. Tuy nhiên, việc bắt đầu được phân loại vào nhóm thị trường mới nổi sẽ giúp cải thiện đáng kể vị thế cũng như hình ảnh của TTCK Việt Nam.
Theo ước tính của ACBS, VN-Index sẽ chiếm khoảng 0,3 - 0,4% tỷ trọng trong rổ chỉ số thị trường mới nổi của FTSE. Theo ACBS tính toán, ước tính sẽ có 222 mã chứng khoán đủ điều kiện vào danh mục của FTSE. Tuy nhiên, tỷ trọng của từng mã sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ vốn hóa có thể đầu tư của từng mã. Như vậy, top 20 cổ phiếu chiếm 0,218% trên tổng 0,366% vốn hóa của thị trường Việt Nam, tương đương 60%.
Theo đó, TTCK sẽ có khoảng 300 - 400 triệu USD từ quỹ chỉ số thụ động của Vanguard FTSE Emerging Markets ETF. Theo ước tính của FTSE Russell, tổng vốn từ các quỹ chủ động và bị động sẽ đạt khoáng 5 - 6 tỷ USD.
Chủ đề thứ ba, theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10, khóa XIII, tầm nhìn của Chính phủ về tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030 là 7,5% - 8,5% mỗi năm. ACBS cho rằng, yếu tố then chốt để đạt được kế hoạch tăng trưởng GDP này phần lớn đến từ các hoạt động giải ngân đầu tư công đầy tham vọng.
Vì vậy, đầu tư công được kỳ vọng sẽ nhanh chóng được thúc đẩy từ đầu năm 2025, ngay khi các luật mới ban hành đi vào hiệu lực. Bên cạnh đó, giai đoạn 2026 - 2030, Chính phủ sẽ tiếp tục quyết liệt triển khai hàng loạt dự án trọng điểm.
Nhóm cổ phiếu hưởng lợi ở chủ đề đầu tư này bao gồm: thép, xi măng, nhựa đường, xây lắp hạ tầng, logistics, bất động sản dân dụng và khu công nghiệp.
Mặt khác, ACBS dự báo một số nhóm ngành vẫn duy trì được lợi nhuận tích cực trong năm 2025 trên nền định giá hợp lý gồm ngân hàng và điện.