Đông Nam Á sẽ trở thành động lực chính cho thị trường LNG thế giới

LNG ĐÔNG NAM Á
16:09 - 03/10/2023
Dự án Kho cảng LNG Thị Vải tại Kho cảng PV GAS Vũng Tàu, Việt Nam. Ảnh: PV Gas
Dự án Kho cảng LNG Thị Vải tại Kho cảng PV GAS Vũng Tàu, Việt Nam. Ảnh: PV Gas
Dự báo từ các chuyên gia trong ngành khí đốt cho thấy khu vực Đông Nam Á sẽ trở thành động lực chính cho thị trường khí đốt tự nhiên (LNG) thế giới vào năm 2030, sau khi nhu cầu từ châu Âu đạt đỉnh và bắt đầu suy giảm.

Năm 2022, thương mại khí đốt tự nhiên hóa lỏng toàn cầu tăng lên mức kỷ lục trong bối cảnh châu Âu cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Theo dự báo của công ty phân tích và tư vấn Mordor Intelligence, giá trị thị trường LNG toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh từ ngưỡng 74,60 tỷ USD của năm 2023 lên ngưỡng 103,41 tỷ USD vào năm 2028.

Tuy nhiên, theo CNBC trích dẫn ông Tony Regan, trưởng bộ phận khí đốt châu Á - Thái Bình Dương của NexantECA, một công ty tư vấn năng lượng và lọc dầu, nhu cầu LNG của châu Âu dự kiến sẽ đạt đỉnh năm 2027 và bắt đầu suy giảm vào năm 2030. Khi kịch bản này xảy ra, ông cho rằng động lực của sự tăng trưởng sẽ nằm tại “các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, Thái Lan và Indonesia”.

Là một điểm sáng của thị trường LNG, ông Tony Regan nhận định nhu cầu từ thị trường Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong vài năm tới. Nguyên nhân được đưa ra là quy hoạch điện 8 của chính phủ - một kế hoạch phát triển ngành điện lực của Việt Nam trong khoảng thời gian cụ thể từ năm 2021 đến năm 2030, với mục tiêu và tầm nhìn xa hơn đến năm 2050.

CNBC trích dẫn ông Regan cho biết: “Nhu cầu tăng trưởng sẽ rất mạnh trong vài năm tới do 13 trong số các nhà máy điện mới được đề xuất trong quy hoạch điện 8 sẽ sử dụng khí LNG trong khi 10 nhà máy khác cũng sử dụng khí đốt. Điều này sẽ tạo ra sức hút mạnh mẽ về năng lượng từ Việt Nam”.

Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia cũng nhận định Việt Nam được coi là thị trường LNG quan trọng do “tăng trưởng dân số và kinh tế mạnh mẽ” thúc đẩy nhu cầu năng lượng.

Ngoài NexantECA, công ty năng lượng khổng lồ Shell chia sẻ cùng tầm nhìn khi cho biết có 3 quốc gia, với 2 trong số đó đến từ Đông Nam Á, sẽ là động lực chính của thị trường LNG trong tương lai. Phát biểu trong khuôn khổ Hội nghị Gastech được tổ chức tại Singapore từ 5 – 8/9 vừa qua, Phó chủ tịch điều hành của Shell Energy, Steve Hill cho biết: “Các quốc gia Đức, Việt Nam và Philippines đều là những thị trường LNG tiềm năng”.

Tương tự, S&P Global cũng chia sẻ sự lạc quan vào tương lai của khu vực Đông Nam Á khi nhận định rằng các quốc gia tại đây có tiềm năng trở thành các thị trường hàng đầu cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng.

CNBC còn dẫn lời ông Zhi Xin Chong, người đứng đầu các thị trường khí đốt và LNG tại Châu Á mới nổi của S&P Global, cho biết: “Đến năm 2033, nhu cầu LNG ở Đông Nam Á được dự báo là 73 triệu tấn mỗi năm, chiếm 12% thị trường LNG toàn cầu”, đặc biệt là tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Singapore. So với năm 2023, con số này sẽ đánh dấu mức tăng tới 4 lần.

Động lực chính cho sự tăng trưởng này sẽ tới từ việc nguồn cung khí đốt trong nước tiếp tục sụt giảm cùng với việc chuyển từ than sang khí đốt trong ngành điện. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng nhu cầu tại các thị trường này vẫn còn yếu và phụ thuộc vào giá cả ổn định. Ông Chong cho biết: “Điều quan trọng là giá LNG ổn định và nguồn tài trợ toàn cầu cần được cung cấp để xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết”.

Đọc tiếp