Dự kiến tăng 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình

Đất Đai NÔNG NGHIỆP
18:42 - 04/04/2023
Đối tượng chuyển nhượng đất nông nghiệp được mở rộng hơn kích thích nông nghiệp đại điền phát triển. Ảnh: VGP.
Đối tượng chuyển nhượng đất nông nghiệp được mở rộng hơn kích thích nông nghiệp đại điền phát triển. Ảnh: VGP.
0:00 / 0:00
0:00
Để tháo gỡ vướng mắc về mở rộng tích tụ ruộng đất sản xuất, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã tăng hạn mức giao đất nông nghiệp từ không quá 10 lần lên 15 lần, nhằm tạo thuận lợi phát triển quy mô lớn.

Tại Diễn đàn “Thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền”, ngày 4/4, bà Lê Thị Lệ Thu, đại diện Vụ Pháp chế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thông tin về một số điểm mới và định hướng trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa tập trung trong nông nghiệp.

Theo bà Thu, các hạn chế về hạn mức, giao đất, chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đang dần được tháo gỡ từ quan điểm của Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực để đưa đất nước có thu nhập cao và cụ thể hóa tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2013.

Đáng chú ý, về hạn mức, đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, dự thảo hiện nay quy định tăng lên 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Theo bà Lê Thị Lệ Thu, đây là điểm rất mới của Luật Đất đai (sửa đổi) để đẩy mạnh hỗ trợ các hộ nông dân tích tụ ruộng đất.

Đồng thời giao HĐND cấp tỉnh trên cơ sở điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường và khả năng đất đai để quy định hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Đối tượng chuyển nhượng đất nông nghiệp được mở rộng hơn, cho phép các tổ chức kinh tế tham gia, cùng đó có các quy định với đối tượng này.

Về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về các hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp và Nhà nước có chính sách khuyến khích thông qua việc ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất để thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp.

Về cho phép được xây dựng công trình trên đất nông nghiệp và đất trồng lúa, người sử dụng đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa; được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Bộ NN&PTNT đang đề nghị tiếp tục có nghị định hướng dẫn.

Cánh đồng lúa tại Thái Bình. Ảnh: Truyền hình Thái Bình.

Cánh đồng lúa tại Thái Bình. Ảnh: Truyền hình Thái Bình.

“Đối với đất sử dụng đa mục đích, Điều 213 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định đất đai được sử dụng kết hợp vào nhiều mục đích khác nhau để tăng hiệu quả sử dụng đất, gồm đất sử dụng hỗn hợp và đất sử dụng kết hợp”, bà Lê Thị Lệ Thu cho biết thêm.

Theo đại diện Vụ Pháp chế, Dự thảo hiện nay đã nêu lên vị trí, vai trò của Bộ NN&PTNT trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, Bộ NN&PTNT là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi,... với diện tích đất nông nghiệp 27,90 triệu ha, chiếm 84.46% diện tích đất tự nhiên cả nước.

Mở rộng sản xuất nông nghiệp còn vướng về quỹ đất

Chia sẻ tại hội thảo về những khó khăn khi mở rộng sản xuất nông nghiệp, ông Lê Nguyên Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình cho biết, Thái Thụy là một trong hai huyện của tỉnh Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khu kinh tế. Do đó, diện tích đất nông nghiệp thực hiện theo quy hoạch trong khu kinh tế cũng bị tác động.

Tuy nhiên, việc tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và xây dựng các mô hình tích tụ ruộng đất trên địa bàn huyện Thái Thuỵ vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

“Cụ thể, hạn mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình có hộ khẩu nông nghiệp, theo quy định tại Điều 129, Điều 130 Luật đất đai năm 2013: Diện tích nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình có hộ khẩu nông nghiệp không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp. Do vậy, khó khăn cho các hộ có nhu cầu nhận chuyển nhượng với diện tích lớn hơn 20 ha”, ông Hoài chỉ ra.

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp cũng đang vướng mắc về điều kiện nhận chuyển đổi (Điều 190 Luật Đất đai 2013), điều kiện nhận chuyển nhượng (Điều 191, 192, 193 Luật Đất đai 2013), do vậy chưa thể hoàn thiện thủ tục đất đai cho đối tượng thực hiện tích tụ diện tích lớn, phát triển sản xuất với quy mô lớn.

Trước thực trạng đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy kiến nghị, các Bộ/ngành Trung ương nghiên cứu những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay. Có quy định cụ thể về tích tụ, tập trung ruộng đất để tạo điều kiện cho phát triển sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Đất đai tạo điều kiện cho việc tích tụ, tập trung đất đai.

Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam có tổng dư nợ đạt 1,44 triệu tỷ đồng, phục vụ cho khoảng 30.000 doanh nghiệp, hơn 3,6 triệu hộ nông dân và hợp tác xã. Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam xác định có nhiều chính sách nhằm đồng hành, gắn bó với người nông dân.

Liên quan đến hiệu quả mô hình đại điền, ông Vũ Trọng Thắng, Phó Trưởng ban Chính sách tín dụng (Ngân hàng NN&PTNT) cho biết, ngân hàng có thể cho vay không có tài sản đảm bảo. Đây là chính sách được thực hiện theo Nghị định 55 của Chính phủ.

Cùng với đó, ông Vũ Trọng Thắng có một số đề xuất Bộ NN&PTNT cần có quy hoạch cụ thể, hạn chế trường hợp nông dân sản xuất tự phát nhằm phát huy hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Tin liên quan

Đọc tiếp