Ảnh: VinWonders |
“Việt Nam là một đất nước giàu tiềm năng về du lịch và nông nghiệp, điều này đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều du khách, các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện phát triển du lịch Châu Á (ATI), Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) nhận định tại hội thảo "Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững gắn với mô hình du lịch nông thôn", chiều ngày 14/9.
Theo ông Quỳnh, Việt Nam đang triển khai các phương thức du lịch mới và bền vững như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng. Những hình thức du lịch này tạo ra những lợi ích đáng kể cho cộng đồng địa phương, góp phần phát triển kinh tế và bảo tồn môi trường.
“Có thể nói du lịch tại Việt Nam đang áp dụng và triển khai những phương thức du lịch mới, bền vững và đặc sắc. Sự kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp mang lại những trải nghiệm độc đáo và đem lại lợi ích lâu dài cho cả du khách và cộng đồng địa phương. Sự phát triển của ngành du lịch đang tạo ra những cơ hội kinh doanh và góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia Việt Nam là một điểm đến du lịch hàng đầu thế giới”, ông Quỳnh nói.
Đồng quan điểm, bà Hoàng Thị Hảo - Giám đốc điều hành Khu nghỉ dưỡng Lolo Heritage Resort Đồng Văn (Hà Giang) cho rằng, du lịch cộng đồng ở Việt Nam góp phần đưa giá trị của nông nghiệp và nông thôn lên cao; góp phần phát triển ngành nghề nông thôn bằng các sản phẩm OCOP; phát huy giá trị văn hóa của các vùng, miền.
Ngoài ra, mô hình du lịch bền vững này góp phần thúc đẩy các chiến lược xóa đói giảm nghèo, tạo ra sinh kế đồng thời khuyến khích vai trò của người dân bản địa trong việc hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng và bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa cũng như các di sản thiên nhiên tại địa phương.
Chuyên gia của Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) Nguyễn Anh Phong tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung |
Nói rõ hơn tiềm năng kinh tế, dẫn thông tin từ Tổ chức du lịch thế giới (UBWTO), ông Nguyễn Anh Phong, Chuyên gia của Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) cho biết, dự báo đến năm 2030, số lượng khách tham gia vào loại hình du lịch nông thôn, sinh thái trên toàn cầu sẽ chiếm 10% trong tổng du khách, doanh thu khoảng 30 tỷ USD, tăng trưởng hàng năm từ 10 - 30%, trong khi du lịch truyền thống (nghỉ dưỡng, tham quan, vui chơi giải trí, hội họp) chỉ tăng trung bình 4%/năm.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 1.300 điểm du lịch, khu du lịch do các địa phương quản lý, trong đó có khoảng 70% các điểm, khu du lịch ở các khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, ông Phong cũng cho rằng, vẫn còn nhiều thách thức trong việc phát triển du lịch nông thôn tại Việt Nam. Bao gồm vấn đề về đào tạo nguồn lực, chi phí phát triển, chính sách, thủ tục về đất đai cho du lịch nông thôn vẫn còn phức tạp...
Trong khi đó, bà Hảo lại lưu ý đến vấn đề thương mại hóa. Bà cho rằng, nếu không quản lý tốt sẽ dẫn đến tình trạng tầm thường hoá văn hoá bản địa và văn hoá dân tộc. Điển hình là việc tổ chức lễ hội bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu hay tôn tạo duy tu bảo dưỡng các di tích không theo nguyên bản.
“Sự thương mại hoá, tầm thường hoá văn hoá chỉ có thể 'mua vui' cho khách du lịch trong chốc lát, nhưng lại gây tác động lớn đến nền văn hoá của mình, từ đó khiến mô hình du lịch này khó phát triển bền vững”, theo bà Hảo.
Mặt khác, nếu quản lý không tốt cũng sẽ làm ô nhiễm môi trường như khai thác quá tải tài nguyên du lịch tự nhiên, xả rác, gây tiếng ồn...
Trước tình trạng trên, ông Quỳnh cho rằng, để du lịch gắn liền với nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, cần có sự tăng cường hợp tác giữa Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan, như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, để xây dựng và quảng bá thương hiệu "Travel Shopping" cho sản phẩm nông nghiệp du lịch Việt Nam.
Viện trưởng Viện phát triển du lịch Châu Á (ATI), Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC Phạm Hải Quỳnh cho rằng cần có những giải pháp cụ thể để mô hình du lịch nông nghiệp có thể phát triển bền vững. Ảnh: Lê Hồng Nhung |
Bên cạnh đó, thúc đẩy việc hoàn thiện quy hoạch du lịch cho các vùng đất nông nghiệp được phép làm du lịch, từ đó tận dụng tài nguyên cho phát triển du lịch và nông nghiệp.
Đào tạo và nâng cao nhận thức về du lịch nông nghiệp cho người dân địa phương, xây dựng các chuỗi cung ứng đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm cho sản phẩm du lịch nông nghiệp.
Xây dựng các trung tâm truyền thông phụ trách riêng biệt du lịch nông nghiệp, giúp kết nối thị trường, cung cấp thông tin về sản phẩm và trải nghiệm du lịch cho khách hàng, tạo nguồn thu an toàn cho vùng nông sản.
Xây dựng mô hình homestay và nhà trọ chất lượng để khách du lịch có thể trải nghiệm và tương tác với đời sống và công việc nông nghiệp địa phương. Khuyến khích việc sử dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao hiệu suất và chất lượng sản phẩm...
Hội thảo “Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững gắn với mô hình du lịch nông thôn” nằm trong khuôn khổ AgroViet 2023 do Trung tâm Xúc tiến thương mại, Bộ NN&PTNT tổ chức. AgroViet 2023 diễn ra từ 14-17/9 tại Hà Nội.