Đưa cà phê Việt chiếm lĩnh thị trường tiềm năng Algeria

cà phê Algeria
08:05 - 22/07/2022
Đưa cà phê Việt chiếm lĩnh thị trường tiềm năng Algeria
0:00 / 0:00
0:00
Algeria là thị trường có nhu cầu nhập khẩu cà phê rất lớn, mỗi năm khoảng 120.000 tấn. Đây cũng là thị trường phụ thuộc hoàn toàn vào lượng cà phê nhập khẩu do nước này không thể tự sản xuất.

Chiều ngày 21/7, Phiên tư vấn xuất khẩu cà phê sang thị trường châu Phi do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức có sự chia sẻ của ông Hoàng Đức Nhuận, tham tán thương mại Việt Nam tại Algeria về nhu cầu cũng như thị hiếu của người bản địa.

Theo ông Nhuận, Algeria là thị trường có nhu cầu nhập khẩu cà phê lớn, mỗi người Algeria tiêu thụ 15 gram cà phê mỗi ngày và 4 kg mỗi năm, 100% người dân Algeria dân uống trung bình 1 – 3 cốc cà phê/ngày. Trong khi đó, thị trường này lại phụ thuộc hoàn toàn vào cà phê nhập khẩu. Mỗi năm, quốc gia Bắc Phi này nhập khẩu khoảng 120.000 tấn cà phê, tương ứng 300 triệu USD/năm.

Cà phê thô hiện cũng là mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất sang Algeria, chiếm trung bình 50% thị phần cà phê tại thị trường này. Theo Hải quan Việt Nam, năm 2018, xuất khẩu cà phê nhân xanh của Việt Nam sang thị trường này lên tới 74.120 tấn, kim ngạch đạt 132,48 triệu USD. Năm 2021, xuất khẩu cà phê sang Algeria đạt 56.545 tấn, giảm 6,8% về số lượng nhưng kim ngạch vẫn tăng 6,3%, đạt trị giá 99,68 triệu USD, chiếm tới 65% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Algeria. Algeria là một trong 10 thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam.

6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê sang thị trường này đạt 21.164 tấn, tương ứng 42,8 triệu USD, giảm 14% về lượng nhưng tăng 7% về giá trị, chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Về chủng loại, Algeria tiêu thụ phần lớn là cà phê Robusta, chiếm 85%, còn lại là cà phê Arabica. Các thị trường cung cấp cà phê chính là Việt Nam, Bờ Biển Ngà, Indonesia, Brazil…

Cà phê Việt Nam có lợi thế khi có vị ngon hơn và được người tiêu dùng bản địa đánh giá cao; đã có chỗ đứng tại Algeria trong nhiều năm. Về phía chính phủ, Bộ Công Thương và Thương vụ cũng đã tổ chức nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền và xúc tiến thương mại về thị trường này.

Tuy nhiên, bên cạnh các thuận lợi, xuất khẩu cà phê của Việt Nam cũng gặp khó khăn. Đầu tiên về thuế, Algeria đánh thuế nhập khẩu cà phê tương đối cao, lên tới 63%, bao gồm 30% thuế nhập khẩu hàng hóa, VAT 19%, thuế tiêu thụ nội địa 10%, thuế đoàn kết 2%, thuế khấu trừ 2%.

Mặt khác, quốc gia này chủ trương chỉ cho nhập khẩu hàng nguyên liệu nên các thương hiệu cà phê chế biến của các doanh nghiệp Việt chưa xuất hiện tại thị trường này.

Ngoài ra, phía Algeria có nhiều yêu cầu khắt khe đối với mặt hàng cà phê rang xay, chế biến như không thêm lượng đường vượt quá 3% lượng cà phê rang xay; hàm lượng nước hay độ ẩm dưới 12,5%; cho phép trộn lẫn các loại cà phê (Arabica, Robusta) và cà phê của các nước (Brazil, Colombia, Việt Nam…).

Tìm kiếm đối tác qua kênh nào?

Theo ông Hoàng Đức Nhuận, có thể tìm kiếm đối tác tại Algeria qua thông qua việc tham gia chương trình xúc tiến thương mại, dự hội chợ, triển lãm quốc tế, các diễn đàn doanh nghiệp, các cuộc giao thương trực tiếp, trực tuyến… Doanh nghiệp cũng có thể tìm bạn hàng trên Cổng thông tin thị trường nước ngoài của Bộ Công Thương, danh sách doanh nghiệp nhập khẩu cà phê của Algeria mới nhất.

Tại Algeria, tình trạng lừa đảo qua mạng Internet không phổ biến. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần thận trọng khi tìm kiếm bạn hàng online hoặc giao dịch với đối tác chủ động tìm đến doanh nghiệp Việt Nam qua website. Trước khi giao dịch, cần đề nghị đối tác cung cấp giấy phép đăng ký kinh doanh (bằng tiếng Arab), mã số thuế, bản sao hộ chiếu, thẻ căn cước của người đại diện để khi cần, các cơ quan chức năng có thể hỗ trợ.

Bên cạnh việc lo lắng sẽ gặp lừa đảo khi xuất khẩu sang Algeria, doanh nghiệp cũng là phía cần giữ chữ tín. Theo ông Nhuận cho biết, đã từng xảy ra trường hợp doanh nghiệp Việt Nam nhận tiền đặt cọc song không giao hàng, gây ra khiếu kiện, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của các doanh nghiệp Việt Nam khác. Để giữ được sự tin cậy của khách hàng, doanh nghiệp cũng nên phản hồi lại với khách khi phía họ có sự thắc mắc. Đồng thời, duy trì sự cung ứng hàng liên tục, ổn định về chất lượng.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Algeria ông Hoàng Đức Nhuận chia sẻ thông tin về thị trường thông qua Zoom.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Algeria ông Hoàng Đức Nhuận chia sẻ thông tin về thị trường thông qua Zoom.

Về chào giá sản phẩm, theo ông Nhuận, doanh nghiệp nên đưa ra mức giá hợp lý do thuế nhập khẩu cà phê vào Algeria đã tương đối cao, khách hàng Algeria cũng thường xuyên tham khảo giá của các nhà xuất khẩu từ nhiều nước.

Khách hàng Algeria chú trọng tiếp xúc trực tiếp, xem tận mắt sản phẩm nên việc doanh nghiệp xuất khẩu gửi hàng mẫu hay tham gia hội chợ quốc tế trong giai đoạn đầu thường đem lại hiệu quả cao hơn. Khi xuất khẩu sang Algeria, doanh nghiệp Việt Nam nên viết dưới dạng văn bản có đóng dấu đầy đủ thông tin địa chỉ liên hệ kèm catalogue.

Trong mối quan hệ với bạn hàng, doanh nghiệp Việt Nam cần kiên nhẫn thiết lập và duy trì quan hệ vì đối tác Algeria thường chậm trả lời, đặc biệt là vào các dịp nghỉ lễ, trong tháng Ramadan hoặc vào thứ sáu.

Nên thanh toán bằng phương thức L/C khi giao dịch

Về phương thức thanh toán, theo tham tán thương mại Việt Nam tại Algeria, doanh nghiệp nên sử dụng L/C không hủy ngang có xác nhận của ngân hàng uy tín châu Âu hoặc châu Mỹ, hoặc nhờ thu chứng từ qua ngân hàng (DP at sight). Trong đó đề nghị khách đặt cọc ít nhất 25% giá trị tiền hàng. Doanh nghiệp có thể yêu cầu khách đặt cọc ngoài Algeria qua chi nhánh công ty hoặc người thân của khách hàng tại Dubai, châu Âu…

Theo quy định của Algeria, nhà nhập khẩu phải ký quỹ 110% giá trị lô hàng 1 tháng trước khi rời cảng của nhà xuất khẩu. Sau 45 ngày hàng rời cảng, ngân hàng người mua mới làm thủ tục chuyển tiền cho ngân hàng người bán.

Đặc biệt, khi xảy ra vấn đề tranh chấp với đối tác là doanh nghiệp tư nhân, phía chính quyền Algeria sẽ không can thiệp hành chính nếu được yêu cầu. Do phía Algeria cho rằng đây là hành vi dân sự, các doanh nghiệp cần giải quyết theo điều khoản trong hợp đồng. Trong trường hợp đó, thông thường doanh nghiệp hai bên cần tiến hành hòa giải. Nếu không được, có thể căn cứ vào điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng thông qua trọng tài quốc tế hoặc tòa án.

Tuy nhiên, việc kiện ra tòa tại Algeria, thủ tục sẽ thường kéo dài và phải trả chi phí cho luật sư khá tốn kém (phí làm đơn, dịch sang tiếng Arab, tiền thuê luật sư….).

Do vậy, theo ông Nhuận, khi có phát sinh, trước tiên doanh nghiệp nên tự dàn xếp với khách và liên hệ ngay với Thương vụ tại Algeria cũng như Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương để được tư vấn, hỗ trợ, tránh để tình trạng kéo dài, nhất là khi hàng bị tắc tại cảng, dẫn đến phát sinh chi phí lưu kho bãi tăng và hư hỏng hàng hóa.

Nếu hàng ở cảng quá 81 ngày nếu không có thông báo của cơ quan chức năng như tòa án hoặc văn phòng luật sư thì có thể bị hải quan Algeria cho bán đấu giá. Nếu tranh chấp do lỗi của đối tác thì việc can thiệp, tác động của Thương vụ, Đại sứ quán và Bộ Công Thương Việt Nam có thể đem lại kết quả tích cực trong một số trường hợp.

Tin liên quan

Đọc tiếp