Đức rơi vào suy thoái sau 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm

KINH TẾ Đức
15:41 - 25/05/2023
Giá cả tăng cao đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế Đức. Ảnh: Reuters
Giá cả tăng cao đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế Đức. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Các số liệu mới nhất ngày 25/5 chỉ ra rằng nền kinh tế Đức đã rơi vào suy thoái sau khi giá cả tăng cao gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn tới nền kinh tế so với dự tính trước đó của các chuyên gia.

Theo các số liệu công bố bởi Văn phòng Thống kê Liên bang Đức ngày 25/5 được Guardian trích dẫn, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng trưởng âm 0,3% trong quý 1/2023. Con số này đánh dấu quý thứ 2 tăng trưởng âm khi trong quý 4/2022 trước đó, GDP của Đức sụt giảm 0.5%.

Nền kinh tế Đức do đó chính thức rơi vào suy thoái kinh tế do các số liệu trên thỏa mãn các điều kiện cơ bản của một cuộc suy thoái. Tình trạng hiện tại tiêu cực hơn do với các ước tính hồi tháng 4 cho rằng nước này sẽ tránh được một cuộc suy thoái trong gang tấc với mức tăng trưởng trì trệ ở ngưỡng 0%.

Ông Carsten Brzeski, trưởng bộ phận vĩ mô toàn cầu tại ngân hàng Hà Lan ING, nhận định: “Mất một vài lần sửa đổi số liệu thống kê nhưng cuối cùng, nền kinh tế Đức mùa đông này đã rơi vào tình trạng chúng ta lo ngại từ mùa hè năm ngoái: một cuộc suy thoái kinh tế”.

Trong khi đó, Reuters trích dẫn ông Andreas Scheuerle, một nhà phân tích tại DekaBank, cho biết: “Dưới sức nặng của lạm phát khủng khiếp, người tiêu dùng Đức đã khuỵu gối và kéo theo toàn bộ nền kinh tế đi xuống”. Bản thân Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cũng nhận định: “Tình trạng giá cả tăng cao kéo dài tiếp tục trở thành gánh nặng đối với nền kinh tế Đức vào đầu năm 2023”.

Cụ thể về từng khía cạnh, cơ quan này cho biết tuy đầu tư và xây dựng của khu vực tư nhân tăng trong quý 1/2023, những kết quả tích cực nó mang lại bị giảm bớt một phần bởi sự sụt giảm trong chi tiêu của người tiêu dùng. Giá cả tăng cao hơn đã buộc các hộ gia đình phải thắt chặt hầu bao và không thể chi tiêu thoải mái như trước.

Nhìn chung, chi tiêu hộ gia đình đã giảm 1,2% trong quý đầu tiên do người mua sắm ít có tư tưởng sẵn sàng chi tiền hơn cho thực phẩm, quần áo và đồ nội thất. Chi tiêu chính phủ cũng giảm 4,9% so với quý trước trong khi xuất khẩu tăng nhẹ 0,4% và nhập khẩu giảm 0,9%.

Nhìn chung, ông Carsten Brzeski nhận định: “Mức giảm tổng thể của GDP không phải là trường hợp xấu nhất của một cuộc suy thoái nghiêm trọng mà là mức giảm gần 1% so với mùa hè năm ngoái. Thời tiết mùa đông ấm áp, hoạt động công nghiệp phục hồi kết hợp với việc Trung Quốc mở cửa trở lại và chuỗi cung ứng bớt căng thẳng vẫn không đủ để đưa nền kinh tế Đức thoát khỏi suy thoái”.

Về dự đoán cho tương lai gần, các nhà kinh tế cảnh báo rằng sức mua giảm, đơn đặt hàng trong lĩnh vực công nghiệp yếu hơn, lãi suất tăng cùng việc tăng trưởng kinh tế chậm lại ở các quốc gia như Mỹ đều có thể dẫn đến hoạt động kinh tế trì trệ của Đức trong những tháng tới.

Câu hỏi hiện tại là liệu kinh tế Đức có hồi phục trong quý 2/2023 hay không. Ông Brzeski cho rằng nếu nhìn xa hơn quý 1 đầu năm, “sự lạc quan đã nhường chỗ cho thực tế”. Sức mua giảm, số lượng đơn đặt hàng công nghiệp thưa thớt, chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ và tăng trưởng kinh tế chậm chạp tại Mỹ - tất cả đều thể hiện các hoạt động kinh tế yếu kém tại Đức.

Nhà kinh tế trưởng Joerg Kraemer của Commerzbank cũng đồng tính với nhận định trên khi cho rằng tất cả các chỉ số quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất hiện đang giảm. Tuy nhiên, Bundesbank kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng khiêm tốn trong quý 2 do sự phục hồi của ngành công nghiệp hơn là theo một báo cáo kinh tế hàng tháng được công bố hôm 24/5.

Đọc tiếp