Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius phát biểu tại cuộc họp báo ngày 5/3. Ảnh: Reuters |
Theo RT, phát biểu tại cuộc họp báo ở Berlin ngày 5/3, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết, theo kết quả ban đầu của cuộc điều tra nội bộ, vụ rò rỉ đoạn ghi âm có thể xảy ra do “lỗi người dùng cá nhân” của một trong các sĩ quan cấp cao của lực lượng Không quân Đức (Luftwaffe).
Người này đã tham gia cuộc họp trực tuyến khi đang tham dự triển lãm hàng không tại Singapore. “Hệ thống liên lạc của chúng tôi không bị xâm phạm,” ông Pistorius khẳng định.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức cũng cho biết đã mở một cuộc điều tra kỷ luật sơ bộ về hành vi của các sĩ quan có liên quan đến vụ rò rỉ. “Tùy thuộc vào kết quả và khi chúng tôi có kết quả, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định có nên tiến hành các hình thức kỷ luật hay không. Nhưng chúng tôi vẫn chưa đi xa đến mức đó,” ông Pistorius nói.
Quan chức này cũng khẳng định: "Ngay cả khi vụ rò rỉ ghi âm chắc chắn không phải do hệ thống công nghệ thông tin của chúng tôi bị xâm phạm, chúng tôi vẫn đang thực hiện các biện pháp bổ sung hoặc phát triển các biện pháp hiện có để đảm bảo rằng hệ thống bảo mật của chúng tôi liên tục được phân tích và tăng cường. Chúng tôi tiếp tục xem xét và tìm hiểu kỹ lưỡng về sự cố rò rỉ thông tin nhạy cảm này có thể được thảo luận trên nền tảng truyền thông nào”.
Trước đó, Tổng biên tập hãng RT Margarita Simonyan hôm 1/3 đã công bố một đoạn ghi âm dài 38 phút ngày 19/2, được cho là cuộc thảo luận giữa 4 quan chức cấp cao của lực lượng Không quân Đức (Luftwaffe), bao gồm cả bao gồm cả người đứng đầu lực lượng này là Tướng Ingo Gerhartz.
Trong đoạn ghi âm, các nhân vật đã thảo luận về việc nước này sẽ gửi 50 tên lửa tầm xa Taurus tới Ukraine, khả năng Kiev thực hiện cuộc tấn công và phá hủy cầu Crimea của tên lửa Taurus, cũng như chi tiết các chiến thuật liên quan đến việc chuẩn bị một cuộc tấn công như vậy.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova sau đó đã yêu cầu Berlin giải thích “ngay lập tức” về đoạn băng ghi âm. “Những nỗ lực né tránh câu hỏi sẽ bị coi là thừa nhận tội lỗi”, bà Zakharova nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng NATO “nên thấy xấu hổ” vì đoạn ghi âm. Ông cũng lưu ý các tướng Đức biết rất rõ rằng họ đang thảo luận về sự tham gia trực tiếp của Berlin trong cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine.
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin cho biết cơ quan này sẽ giải quyết vụ việc rò rỉ đoạn ghi âm khi có cuộc họp trở lại vào ngày 11/3. “Vấn đề này xứng đáng được thảo luận nghiêm túc nhất” và Moscow chắc chắn cần phải “gửi yêu cầu tới Bundestag (Quốc hội Đức) để tiến hành một cuộc điều tra”, ông nói thêm.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 4/3 nói rằng nội dung trong đoạn ghi âm cho thấy quân đội Đức có “kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga”. “Điều này một lần nữa khẳng định sự tham gia trực tiếp của tập thể phương Tây trong cuộc xung đột tại Ukraine,” ông Peskov cáo buộc.
Về phía Đức, trong chuyến thăm Italy ngày 2/3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz gọi vụ rò rỉ ghi âm này là “rất nghiêm trọng” và “cần phải được điều tra cẩn thận, chuyên sâu và nhanh chóng”. Ông không bình luận về nội dung đoạn ghi âm và không nói rõ liệu Berlin có biết về kế hoạch mà các sĩ quan quân đội cấp cao thảo luận hay không.
Phó phát ngôn viên Chính phủ Đức Wolfgang Buechner tuyên bố tại cuộc họp báo hôm 4/3 rằng bất kỳ tuyên bố nào cho rằng đoạn ghi âm là bằng chứng cho thấy Berlin sẵn sàng cho một cuộc chiến với Moscow đều chỉ là “sự tuyên truyền vô lý của Nga”.
Cũng trong ngày 4/3, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập Đại sứ Đức tại Moscow Alexander Lambsdorff để đưa ra một tuyên bố chính thức và yêu cầu làm rõ về hoàn cảnh của cuộc trò chuyện bị rò rỉ giữa các sĩ quan không quân thảo luận về các cuộc tấn công tiềm tàng vào cầu Crimea bằng tên lửa Taurus.