Theo báo cáo tài chính mới công bố, trong quý 4/2023, doanh thu thuần của Dược Hậu Giang đạt 1.535 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Giá vốn đạt gần 882 tỷ đồng, tăng 24%. Do giá vốn tăng nhanh hơn doanh thu nên lợi nhuận gộp quý 4 của Dược Hậu Giang chỉ tăng 5% YoY lên hơn 653 tỷ đồng.
Về hoạt động tài chính, doanh thu tài chính kỳ này tăng 27% YoY, lên hơn 52 tỷ đồng, chủ yếu là lãi tiền gửi tại ngân hàng. Chi phí tài chính tiết giảm được 14%, xuống còn gần 25 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí lãi vay kỳ này lại tăng mạnh, gấp 19,25 lần cùng kỳ, từ hơn 398 triệu đồng lên hơn 7,7 tỷ đồng.
Chi phí của bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 3% và 15% YoY lên 297 tỷ đồng và hơn 84 tỷ đồng. Sau khi trừ các loại chi phí, Dược Hậu Giang lãi gần 293 tỷ đồng trong quý 4, tăng 11% YoY.
Lũy kế cả năm 2023, Dược Hậu Giang ghi nhận doanh thu thuần 5.015 tỷ đồng, tăng 7%, nhưng giá vốn hàng bán tăng tới 10% YoY, lên 2.672 tỷ đồng. Điều này khiến lợi nhuận gộp chỉ tăng 4% lên gần 2.344 tỷ đồng.
Bù lại, doanh thu hoạt động tài chính cả năm tăng mạnh 54% YoY, lên gần 218 tỷ đồng, chi phí tài chính giảm được 10% về gần 91 tỷ đồng, dù chi phí lãi vay vẫn gấp 2,3 lần cùng kỳ, ở mức gần 30 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 7% và 16% YoY, lên mức 978 tỷ đồng và 312 tỷ đồng. Như vậy, đến hết năm 2023, Dược Hậu Giang lãi trước thuế gần 1.160 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 1.051 tỷ đồng, tăng 5% và 6% YoY. Đây là năm đầu tiên lãi ròng của Dược Hậu Giang vượt mức 1.000 tỷ đồng kể từ khi lên sàn tới nay.
Năm 2023, công ty đặt mục tiêu 5.000 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.130 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, năm 2023, Dược Hậu Giang đã hoàn thành tốt cả chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận năm.
Với kết quả này, năm 2024, Dược Hậu Giang đề ra mức doanh thu tăng nhẹ 4% lên 5.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế giảm từ 1.160 tỷ đồng xuống 1.080 tỷ đồng. Kế hoạch này sẽ được trình cổ đông trong kỳ họp Đại hội đồng cổ đông năm nay.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Dược Hậu Giang tại ngày 31/12/2023 tăng 17% so với hồi đầu năm, lên gần 6.018 tỷ đồng.
Trong đó, khoản tiền và các khoản tương đương tiền gấp 2,8 lần đầu kỳ, lên 94 tỷ đồng, chủ yếu khoản tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn của công ty đã gấp 4,1 lần từ 20 tỷ đồng lên 82 tỷ đồng.
Khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng gấp 1,8 lần đầu kỳ, đạt 564 tỷ đồng. Khoản trả trước cho người bán ngắn hạn giảm 48% xuống còn gần 98 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn khác tăng 16% lên gần 94 tỷ đồng. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm nhẹ 5% xuống còn 2.230 tỷ đồng, toàn bộ là tiền gửi ngân hàng kỳ hạn từ 3 tháng - 1 năm.
Tại thời điểm kết thúc năm 2023, giá trị mục hàng tồn kho đã tăng 22% so với đầu kỳ, lên gần 1.528 tỷ đồng. Trong đó, khoản nguyên vật liệu chiếm phần lớn trong mục này (chiếm gần 47%) đã tăng 7% lên hơn 714 tỷ đồng. Kế đó, khoản thành phẩm cũng tăng 62% lên 493 tỷ đồng. Đặc biệt, khoản hàng hóa kỳ này gấp 3,6 lần cùng kỳ, lên mức 120 tỷ đồng. Dù vậy, hàng mua đi đường lại giảm 20% về gần 142 tỷ đồng.
Nợ phải trả của Dược Hậu Giang tăng tới 39% so với hồi đầu năm lên gần 1.218 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải trả người bán ngắn hạn đã giảm 42% xuống còn 211 tỷ đồng, khoản phải trả người lao động tăng 18% lên 201 tỷ đồng, khoản dự phòng phải trả dài hạn tăng 8% lên 64 tỷ đồng.
Đặc biệt, tại ngày 31/12/2023, khoản vay ngắn hạn của Dược Hậu Giang đã gấp gần 5 lần đầu kỳ, từ 115 tỷ đồng lên hơn 572 tỷ đồng. Đây là những khoản vay chịu lãi suất từ 0,26% - 0,58%/tháng. Chính vì mức tăng mạnh của các khoản vay, nên chi phí lãi vay trong hoạt động tài chính của Dược Hậu Giang mới có sự tăng vọt gấp 2,3 lần so với năm trước trong năm 2023.
Vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2023 của Dược Hậu Giang đã tăng 13% so với đầu kỳ, lên 4.854 tỷ đồng. Chủ yếu do mức tăng 25% của quỹ đầu tư phát triển lên hơn 2.458 tỷ đồng.