Được khối ngoại mua ròng hàng chục phiên liên tiếp, HPG có sớm về đỉnh?

HÒA PHÁT KHỐI NGOẠI
11:32 - 12/01/2023
Khối ngoại đang đẩy mạnh gom vào cổ phiếu của Hòa Phát.
Khối ngoại đang đẩy mạnh gom vào cổ phiếu của Hòa Phát.
0:00 / 0:00
0:00
Tính tới 12/1, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng HPG 16 phiên liên tiếp. Từ đầu tháng 11/2022 đến nay, giá trị mua ròng của khối ngoại trên cổ phiếu đầu ngành thép đã lên đến hơn 3.000 tỷ đồng.

Khối ngoại mua ròng mạnh là một trong các động lực nâng đỡ thị trường chung thời gian qua, trong bối cảnh thanh khoản thấp ở thời điểm cuối năm. Riêng trong tháng 12, khối này mua ròng với giá trị đạt 13.346 tỷ đồng (chiếm 46% tổng giá trị mua ròng của khối ngoại trong năm 2022).

Trước đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã xác lập lượng tháng mua ròng kỷ lục với tổng cộng 714 triệu cổ phiếu được mua ròng, tương ứng giá trị 16.911 tỷ đồng trong tháng 11. Đây là mức mua ròng trong tháng cao nhất, nếu không kể tháng 5/2018, với giao dịch mua thỏa thuận tỷ đô với riêng cổ phiếu VHM.

Tính chung trong năm 2022, tổng giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28.950 tỷ đồng, so với lượng bán ròng 62.608 tỷ đồng năm 2021.

Trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng mạnh nhất mã HPG với giá trị hơn 1.500 tỷ đồng trong tháng 12. Chỉ trong 2 tháng cuối năm 2022, cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 2.600 tỷ đồng. Còn tính chung từ đầu tháng 11/2022 đến nay thì con số này lên đến hơn 3.000 tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 16 phiên liên tiếp HPG. Tính từ đầu năm 2023, đây chính là cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất thị trường với giá trị gần 500 tỷ đồng, bỏ xa các mã khác.

Đáng chú ý, HPG từng là cái tên từng bị bán ròng “không thương tiếc” trong giai đoạn 2021 và những tháng đầu năm 2022. Năm 2021, cổ phiếu của Hòa Phát từng bị nhà đầu tư nước ngoài “xả” gần 19.000 tỷ đồng. Xu hướng này thực tế vẫn kéo dài cho đến quá nửa đầu năm 2022 trước khi có dấu hiệu đảo chiều.

Động thái quay lại mua ròng của khối ngoại bắt đầu trở nên rõ rệt hơn từ tháng 11/2022 khi HPG rơi xuống đáy dài hạn với P/B dưới 1. Giai đoạn này, cổ phiếu của Hòa Phát từng lùi về vùng giá 12.000 đồng – thấp nhất kể từ tháng 7/2020, sau khi doanh nghiệp báo lỗ kỷ lục gần 1.800 tỷ đồng trong quý 3/2022.

Diễn biến giá cổ phiếu HPG.

Diễn biến giá cổ phiếu HPG.

Động thái mua ròng HPG liên tục của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh ngành thép nói chung và Hòa Phát nói riêng đang đón nhận một số tín hiệu tích cực sau thời kỳ “thê thảm” như ông Trần Đình Long từng dự báo.

Bên cạnh điểm sáng là đầu tư công và nguồn cung bất động sản trong nước hồi phục, triển vọng ngành thép Việt Nam trong năm 2023 có thể hồi phục tốt hơn nhờ động lực từ nhu cầu của thị trường Trung Quốc, khi các chính sách kích thích lại thị trường bất động sản bắt đầu có hiệu quả.

Mặt khác, giá thép cũng sẽ được kỳ vọng tăng trở lại nhờ diễn biến giá thép tại thị trường Trung Quốc. Hiện giá thép trung bình tại quốc gia này gần đây đã phục hồi khoảng 10% so với mức đáy vào cuối tháng 10/2022.

Triển vọng vẫn chưa rõ ràng

Nhờ sự “nâng đỡ” của khối ngoại, thị giá HPG trên sàn đã hồi phục đáng kể. Phiên 12/1, cổ phiếu này đang giao dịch ở vùng giá 20.000 đồng, tức tăng 67% so với mức đáy hồi tháng 11/2022. Tuy nhiên để phá về vùng đỉnh 43.000 đồng xác lập vào tháng 10/2021 thì có lẽ không dễ dàng, khi triển vọng ngành thép vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Theo Chứng khoán SSI, giá thép và nguyên liệu thô ổn định hơn có thể giúp ổn định lợi nhuận của các công ty thép trong năm 2023. Tuy nhiên, nhu cầu yếu có thể dẫn đến hiệu suất sử dụng thấp, chỉ ở mức 60-75% (so với trên 80% trong năm 2022 và hơn 90% trong năm 2021), điều này sẽ gây áp lực lên doanh thu, dòng tiền và tỷ suất lợi nhuận của các công ty trong năm nay.

Ngoài ra, khoảng cách giá giữa Việt Nam và các thị trường khác ngày càng thu hẹp sẽ khiến tỷ suất lợi nhuận xuất khẩu kém hấp dẫn hơn so với giai đoạn 2020-2021.

SSI cho rằng lợi nhuận của ngành thép sẽ tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2023 nhưng dần phục hồi vào cuối năm nhờ nhu cầu tăng lên ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Với HPG, SSI cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng có thể trở thành “con dao hai lưỡi” khi sức cầu yếu tại thị trường trong nước sẽ khiến công ty gặp khó trong việc tăng giá bán lên ngang tầm khu vực, đặc biệt là đối với thép xây dựng.

Mức định giá của SSI cho HPG cho mục tiêu 1 năm chỉ mức 18.000 đồng, thấp hơn mức giá hiện tại.

Tin liên quan

Đọc tiếp