Theo báo cáo tài chính vừa công bố, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Dược phẩm OPC quý 2/2023 đạt 279 tỷ đồng, giá vốn hàng bán 168 tỷ đồng, tăng lần lượt 30% và 33% so với cùng kỳ. Nhờ vậy, lợi nhuận gộp quý 2 của OPC cũng tăng 26% lên 111 tỷ đồng.
Hoạt động tài chính của OPC ghi nhận sự tăng trưởng tốt nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp 2,6 lần cùng kỳ lên 6,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng với mức tăng lần lượt là 28%, 39% và 10% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận trước thuế quý 2 của OPC đạt 47,5 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Dược phẩm OPC đạt 477 tỷ đồng giảm 20%. Nhờ giá vốn cũng tiết giảm 23%, lợi nhuận gộp của OPC chỉ giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, đạt 198 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính đạt 13 tỷ đồng, gấp 3,4 cùng kỳ năm trước, chi phí tài chính giảm 15% xuống 4 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cũng tiết giảm được 21%, nhờ vậy, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm của OPC chỉ giảm 4% so với cùng kỳ, đạt 84 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, Dược phẩm OPC đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu đạt 1.286 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện 2022, lợi nhuận trước thuế 187 tỷ đồng, tăng 4%. Như vậy, hết nửa đầu năm, công ty mới chỉ hoàn thành 37,1% kế hoạch doanh thu và 44,9% kế hoạch lợi nhuận.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Dược phẩm OPC tại ngày 30/6 giảm nhẹ 4% so với đầu kỳ, xuống 1.193 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng 34% lên 258 tỷ đồng; nhưng khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi vẫn giữ ở mức hơn 33 tỷ đồng, giảm 1 tỷ đồng so với đầu kỳ. Cho thấy tỷ lệ nợ xấu của OPC tại ngày 30/6 đã giảm xuống 13%, thấp hơn 5 điểm phần trăm so với tỷ lệ 18% hồi đầu năm.
Tiền và khoản tương đương tiền của Dược phẩm OPC tăng mạnh gấp 2,1 lên 181 tỷ đồng, chiếm 21% tài sản ngắn hạn, chủ yếu là 168 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và 10 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn gốc dưới 3 tháng.
Dược phẩm OPC cũng ghi nhận 384,5 tỷ đồng khoản hàng tồn kho, giảm 6% so với đầu kỳ, chiếm phần lớn là 134 tỷ đồng khoản nguyên vật liệu, giảm 10%; 90 tỷ đồng khoản thành phẩm, giảm nhẹ 7 tỷ đồng so với đầu kỳ. Ngoài ra, OPC vẫn còn 161 tỷ đồng bất động sản để bán là giá trị quyền sử dụng đất thuê tại số 120 Hai Bà Trưng, Phường Đakao, quận 1, TP HCM của TW25, công ty con của OPC, đang trong quá trình chuyển nhượng cho CTCP Phát triển Hạ tầng Khu Công nghiệp Tây Ninh (INDECO).
Bên kia bảng cân đối kế toán, tại ngày 30/6, nợ phải trả của công ty giảm nhẹ 3% xuống 364 tỷ đồng. Khoản phải trả người lao động giảm 46% xuống 38 tỷ đồng.
Khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn, đi ngang so với đầu kỳ, đạt gần 210 tỷ đồng, gồm 178 tỷ đồng là khoản tiền ứng trước từ INDECO theo hợp đồng hợp tác, đầu tư và chuyển giao bất động sản giữa TW25, công ty con của OPC và INDECO để đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng trên khu đất tại số 120 Hai Bà Trưng nêu trên.
Ngoài ra, ngày 11/9/2018, TW25 và INDECO cũng đã ký kết hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (EPC) cho dự án xây dựng văn phòng trên thửa đất nêu trên. Theo đó, mọi công việc, thủ tục, chi phí liên quan đến xây dựng và hoàn thành cao ốc sẽ do INDECO thực hiện và chịu mọi chi phí. Sau khi cao ốc văn phòng này được xây dựng xong và hoàn thành tất cả các thủ tục pháp lý, TW25 sẽ chuyển nhượng khu đất và cao ốc văn phòng cho INDECO.
Trong tháng 5 vừa qua, OPC đã có 2 đợt chia cổ tức cho cổ đông với tổng tỷ lệ là 15% bằng tiền mặt. Cổ tức đợt 1 được chi trả vào ngày 15/5 với tỷ lệ 10%, tương đương mỗi cổ phiếu nhận được 1.000 đồng. Cổ tức đợt 2 được chi trả vào ngày 25/5, tỷ lệ 5%, tương đương cổ đông nhận được 500 đồng với mỗi cổ phiếu. Như vậy, OPC đã chi tổng cộng 96,1 tỷ đồng cho 2 đợt chia cổ tức để hoàn thành nghĩa vụ với cổ đông.