Cụ thể, công ty ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 2/2023 đạt 246 tỷ đồng, giá vốn hàng bán đạt 168 tỷ đồng, tăng trưởng 11% và 9% so với quý 2 năm ngoái. Nhờ doanh thu tăng trưởng tốt, lợi nhuận gộp của Vidipha quý này tăng trưởng 16% lên 78 tỷ đồng.
Về mảng tài chính, doanh thu tài chính của công ty đi ngang so với cùng kỳ nhưng chi phí tài chính lại tăng 86% so với cùng kỳ lên 9,1 tỷ đồng. Còn chi phí quản lý doanh nghiệp tiết giảm được 35% so với cùng kỳ, xuống còn 7,5 tỷ đồng. Nhờ vậy, kết thúc quý 2, công ty ghi nhận lợi nhuận ròng đạt 28 tỷ đồng, tăng gần 65% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần tăng 9% lên 518 tỷ đồng, lợi nhuận gộp cũng tăng 21% lên 164 tỷ đồng. Tuy nhiên doanh thu tài chính sụt giảm chỉ bằng 38% cùng kỳ, đạt 5,7 tỷ đồng, chi phí tài chính lại tăng gấp 1,7 lần cùng kỳ lên 15,7 tỷ đồng. Điều này khiến mức tăng trưởng lợi nhuận ròng 6 tháng giảm sút so với quý 2, tăng 30%, đạt gần 60 tỷ đồng.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Vidipha tại ngày 30/6 là 1.070 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với con số đầu năm. Mức giảm chủ yếu đến từ các khoản phải thu ngắn hạn, giảm 10% còn 243 tỷ đồng, do không còn khoản phải trả trước cho người bán ngắn hạn 56 tỷ đồng của đầu kỳ.
Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Vidipha đã giảm 10% so với đầu kỳ, xuống 428 tỷ đồng, đều là nợ ngắn hạn. Trong đó, khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm 17% xuống 278 tỷ đồng, do công ty đã giảm 1 nửa khoản nợ với Ngân hàng VCB còn 40 tỷ đồng và với Ngân hàng UOB còn 11 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản nợ lớn nhất của công ty với Ngân hàng Techcombank tại thời điểm 30/6 mới chỉ giảm được hơn 10 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, còn 136 tỷ đồng.