Ecopark Hưng Yên là một trong những khu đô thị đời đầu ở thị trường lân cận Hà Nội. |
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ngày 26/9 công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2022 của CTCP Tập đoàn Ecopark, ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 2.395 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn chủ sở hữu tại cuối năm 2022 từ đó cũng tăng từ 4.267 tỷ đồng lên 6.472 tỷ đồng, tỷ suất ROE đạt mức 40%.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Ecopark tăng 19% so với thời điểm đầu năm lên 25.886 tỷ đồng. Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả tăng 11% lên 19.415 tỷ đồng, trong đó không ghi nhận dư nợ trái phiếu.
CTCP Tập đoàn Ecopark có tiền thân là CTCP Đầu tư và Phát triển Việt Hưng (Vihajico), được thành lập tháng 8/2003 và là pháp nhân lõi trong hệ sinh thái các doanh nghiệp của vợ chồng doanh nhân Lương Xuân Hà – Đặng Thị Ngọc Bích.
Doanh nghiệp này hiện có vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng, được biết đến với vai trò chủ đầu tư Dự án Ecopark tại Văn Giang, Hưng Yên. Đây là một trong những khu đô thị đời đầu ở thị trường lân cận Hà Nội và cũng mở ra xu hướng phát triển các đại đô thị sinh thái gần gũi với thiên nhiên không chỉ ở khu vực miền Bắc.
Dù bắt đầu thực hiện kể từ năm 2004, dự án ở Văn Giang, Hưng Yên vẫn là “con gà đẻ trứng vàng” cho Ecopark hàng chục năm sau đó. Trong năm 2019, tập đoàn ghi nhận doanh thu 4.293 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với thực hiện năm 2018, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 27% lên 525 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2019 tăng mạnh so với đầu năm lên 549 tỷ đồng, tương đương 1/3 vốn chủ sở hữu. Đáng chú ý, tính tới cuối năm 2019, công ty vẫn ghi nhận 3.273 tỷ đồng hàng tồn kho, phần lớn tới từ Ecopark Hưng Yên.
Ecopark không phải là đơn vị duy nhất trong hệ sinh thái các doanh nghiệp của doanh nhân Lương Xuân Hà lãi lớn trong năm 2022.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, một pháp nhân khác trong hệ sinh thái Ecopark là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển DB cũng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 khi báo lãi 886 tỷ đồng, tăng 56,8% so với thực hiện của năm 2021.
Các thông số tài chính khác của DB cũng khá tích cực. Tính tới ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tăng 72% so với đầu năm lên 4.789 tỷ đồng, được đóng góp không nhỏ bởi 2 lần tăng vốn điều lệ từ 1.200 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng vào tháng 6 và tháng 10/2022. Trước đó vào cuối năm 2021, DB đã tiến hành tăng vốn từ 250 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng.
Dấu ấn Ecopark tại "siêu" dự án 17.000 tỷ đồng ở Long An
Ngoài ra, tổng nợ phải trả của DB tại thời điểm cuối năm 2022 cũng giảm tới 56,9% so với đầu năm về còn 2.777 tỷ đồng, với 1.340 tỷ đồng là dư nợ trái phiếu tới từ lô DBICB2124001, có tổng giá trị theo mệnh giá 1.360 tỷ đồng, được phát hành ngày 26/10/2021 và dự kiến đáo hạn vào ngày 26/10/2024.
Số tiền thu về được sử dụng để đặt cọc nhận chuyển nhượng hay góp vốn vào dự án Khu đô thị và nhà ở xã hội và dự án Mở rộng khu đô thị xã Hưng Hòa, Thành phố Vinh do CTCP Tổng công ty hợp tác kinh tế Việt Lào làm chủ đầu tư. Các dự án này cũng được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho đợt phát hành. Bản thân doanh nhân Lương Xuân Hà cũng đứng ra bảo lãnh cho lô trái phiếu trên.
Dự án Khu đô thị và nhà ở xã Hưng Hoà được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 18/7/2011, trong khi dự án Mở rộng KĐT tại xã Hưng Hoà được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 1/8/2011. Hai dự án có vị trí đắc địa khi nằm cạnh sông Lam và cách trung tâm TP. Vinh chỉ tầm chục phút đi xe.
Liên tục gia tăng quỹ đất
Như đã được Mekong ASEAN đề cập ở bài viết trước, vào đầu năm 2023, liên danh Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển DB và CTCP Tập đoàn Ecopark là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái, thương mại du lịch tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Liên danh này sau đó cũng được đánh giá đủ điều kiện thực hiện dự án trên.
Khu đô thị Thanh Phú dự kiến có quy mô dân số hơn 37.000 người với tổng diện tích 220 ha, trong đó diện tích đất ở chiếm 54,22% diện tích dự án. Chi phí thực hiện dự án ước tính là 13.981 tỷ đồng, trong khi chi phí bồi thường tái định cư là 3.000 tỷ đồng. Với tổng mức đầu tư tiệm cận ngưỡng 17.000 tỷ (725 triệu USD), nếu được triển khai, đây sẽ là một trong những dự án lớn nhất khu vực các tỉnh phía Nam TP Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, trong nửa đầu năm 2023, liên danh CTCP Tập đoàn Ecopark và CTCP Đầu tư và Phát triển Ecolives cũng tiến hành đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới Nam sông Đa Nhim tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Dự án có tổng diện tích gần 154ha, bao gồm 44,3ha đất ở, 6,4ha đất công trình công cộng, 67,3ha đất giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật… Tổng mức đầu tư của dự án lên đến 11.843 tỷ đồng, trong đó sơ bộ chi phí thực hiện dự án là 9.632 tỷ đồng, chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư là 2.211 tỷ đồng.
Theo kết quả đánh giá sơ bộ năng lực kinh nghiệm ngày 21/8/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng, liên doanh của Ecopark không đạt các yêu cầu được đề ra. Nhà đầu tư được đánh giá đủ năng lực thực hiện dự án này là liên danh của TNR Holdings, bao gồm CTCP Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân; Công ty CP Phát triển BĐS An Phúc và Công ty Cổ phần Bất động sản Hano-Vid.