Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thu Hằng (giữa) chủ trì ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của OCH. Ảnh: OCH |
“Chúng tôi đã họp và đánh giá, với thương hiệu và sản phẩm thực phẩm hiện có, OCH sẽ khó có thể phát triển,” đây là chia sẻ của ông Lê Đình Quang - Tổng giám đốc CTCP One Capital Hospitality (HNX: OCH) tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tổ chức ngày 15/5 vừa qua. Do đó theo ông Quang, để có động lực phát triển vượt bậc, OCH quyết định phải mua bán và sáp nhập (M&A).
Chiến lược được ông Quang nhắc đến là công ty có thể đi mua những công ty vừa và nhỏ, có những sản phẩm và thị trường phù hợp. Ông cho biết, vào cuối năm 2023, OCH đã mua Công ty Kem Tín Phát và Công ty thực phẩm JP Food.
Một chiến lược M&A khác được OCH áp dụng là mua và sáp nhập công ty ngang bằng hoặc lớn hơn. Theo ông Lê Đình Quang, cơ hội cho chiến lược mua bán và sáp nhập đã tới với OCH trong năm 2023.
Theo BCTC kiểm toán năm 2023 của OCH, vào ngày 29/12/2023, CTCP Bánh Grival – công ty con của OCH đã mua lại 100% phần vốn góp tại Công ty TNHH Sản xuất Bình Hưng.
Công ty TNHH Sản xuất Bình Hưng được thành lập năm 2011, có tiền thân là Công ty TNHH MTV Phú Tường. Vào cuối quý 2/2021, OCH đã mua lại 99% vốn điều lệ công ty này, tương đương phần vốn góp 64,35 tỷ đồng, đây cũng là thời điểm công ty đổi tên thành CTCP Thương mại và Dịch vụ Bình Hưng.
Đến ngày 8/11/2023, OCH chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại CTCP Thương mại và Dịch vụ Bình Hưng với giá 66,88 tỷ đồng cho các cá nhân với mục đích cơ cấu lại các khoản vốn đầu tư. Cơ cấu sở hữu của Bình Hưng chuyển thành ông Chu Duy Đoàn sở hữu 64,935 tỷ đồng (99,9% vốn điều lệ) và ông Lê Ngọc Lân sở hữu 65 triệu đồng (0,1% vốn điều lệ).
Chỉ một tuần sau khi OCH thoái vốn, vào ngày 16/11/2023, Bình Hưng tăng vốn từ 65 tỷ đồng lên 2.150 tỷ đồng. Trong đó một cá nhân có tên Chu Duy Đoàn trực tiếp nắm giữ 2.149,9 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 99,997%, ông Lê Ngọc Lân sở hữu phần vốn còn lại, đồng thời đảm nhận chức giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Ông Lê Ngọc Lân hiện còn đứng tên tại CTCP Lequidity Solutions, còn ông Chu Duy Đoàn cũng đang là người đại diện theo pháp luật của văn phòng đại diện Công ty TNHH Complex Phương Bắc. Những doanh nghiệp kể trên đều có nhiều liên hệ với hệ sinh thái IDS Equity Holdings.
IDS Equity Holdings đang là cổ đông lớn của One Capital Hospitality với tỷ lệ sở hữu 9,86%, duy trì từ cuối 2022 đến nay. Trong năm 2022, nhóm IDS Equity Holdings bắt đầu tiếp quản OCH và tiến hành đổi tên từ Khách sạn và Dịch vụ OCH thành One Capital Hospitality. Ở thời điểm đó, IDS Equity Holdings có vai trò là đại diện cho các cổ đông sở hữu hơn 51% vốn cổ phần của Tập đoàn Đại Dương (OGC) – công ty mẹ của OCH.
Để cấp vốn mua Công ty TNHH Sản xuất Bình Hưng, CTCP Bánh Givral vào ngày 17/11/2023 đã tiến hành tăng vốn điều lệ từ 330 tỷ đồng lên 650 tỷ đồng thông qua phát hành cho cổ đông chiến lược. Tỷ lệ sở hữu của OCH tại Givral giảm từ 99,99% về còn 50,77%.
Bên cạnh đó, tính đến cuối năm 2024, OCH còn ghi nhận khoản vay 1.400 tỷ đồng với Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank). Đây là khoản vay dài hạn của CTCP Bánh Givral theo hợp đồng tín dụng ngày 13/12/2023 để mua lại phần vốn của Công ty TNHH Sản xuất Bình Hưng. Thời hạn vay đến ngày 16/12/2030, lãi suất vay là 7%/năm.
Thương vụ M&A kể trên tăng đáng kể quy mô hoạt động của OCH. Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của OCH đạt 4.134 tỷ đồng, tăng 80% so với thời điểm đầu năm, chủ yếu do đầu tư tài chính dài hạn tăng mạnh từ 9 tỷ đồng lên 2.096 tỷ đồng, với 2.085 tỷ đồng là đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh.
2.085 tỷ đồng này là giá trị của khoản đầu tư mua về 30% vốn điều lệ của Công ty TNHH Sản xuất Bình Hưng với CTCP IDS Equity Holdings. Hiện toàn bộ sở hữu tại IDS Equity Holdings của Bình Hưng đã được OCH làm tài sản đảm bảo tại Vietinbank cho khoản vay nói trên.
Dấu ấn của IDS Equity Holdings
Theo BCTC của OCH, CTCP Bánh Grival đã mua lại 100% phần vốn góp tại Công ty TNHH Sản xuất Bình Hưng vào ngày 29/12/2023. Tuy nhiên phải tới ngày 27/3/2024, Bánh Grival mới chính thức trở thành công ty mẹ sở hữu 100% của Bình Hưng trên giấy đăng ký doanh nghiệp. Đây cũng là ngày ông Lê Minh Thành trở thành Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật của Bình Hưng, thay thế cho ông Lê Ngọc Lân.
Sinh năm 1984, ông Lê Minh Thành là một trong những doanh nhân dạn dày kinh nghiệm trên thị trường tài chính Việt Nam.
Trong nhiều năm qua, ông là Chủ tịch HĐQT của CTCP IDS Equity Holdings. Giai đoạn 2020 - 2021, IDS Equity Holdings đã dẫn dắt một nhóm nhà đầu tư mua vào 51% cổ phần của Tập đoàn Đại Dương (OGC) và 22% cổ phần tại OCH, qua đó nắm quyền chi phối tại 2 công ty này.
Tới ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của OGC, công ty thay mới HĐQT. Cụ thể, nhóm cổ đông có ông Chu Duy Đoàn đề cử bà Phạm Hồng Nhung và bà Lê Thị Việt Nga vào HĐQT OGC, trong khi nhóm cổ đông có ông Lê Ngọc Lân đề cử bà Trần Thị Ngọc Bích và bà Nguyễn Thị Thanh Hường.
Trong đó, bà Lê Thị Việt Nga được bầu làm Chủ tịch HĐQT OGC. Sinh năm 1979, bà Nga có thời gian dài làm Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH IDS Argo Servicer, doanh nghiệp do chính IDS Equity Holdings góp vốn thành lập.
Tình hình kinh doanh của OGC và OCH khởi sắc kể từ khi về tay IDS Equity Holdings. Trong năm 2022, OGC báo lãi sau thuế 59 tỷ đồng, cao hơn nhiều khoản lỗ 280 tỷ đồng của năm 2021. Tới năm 2023, tập đoàn tiếp tục lãi thêm 141 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần cùng kỳ,
Tương tự, trong năm 2022 và 2023, OCH báo lãi sau thuế lần lượt 72 tỷ đồng và 120 tỷ đồng, cao hơn nhiều khoản lỗ 468 tỷ đồng của năm 2021.
Vào cuối năm 2023, OGC một lần nữa chứng kiến thay đổi trong cơ cấu sở hữu với sự xuất hiện của 2 cổ đông lớn mới là CTCP Xây dựng Sông Hồng Bắc Việt và CTCP Thương mại Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam, sở hữu lần lượt 27 triệu và 51,7 triệu cổ phần, tương đương 9,02% và 17,24% vốn điều lệ tập đoàn.
Trong số 2 pháp nhân kể trên, Sông Hồng Bắc Việt là đơn vị có nhiều liên hệ với Tập đoàn TNR Holdings (nay là ROX Group).