EU chưa thể cấm vận năng lượng hạt nhân Nga bất chấp yêu cầu từ Ukraine

hạt nhân NGA
16:54 - 21/02/2023
Kể từ khi khởi động chiến dịch quân sự tại Ukraine một năm trước, Nga đã phải hứng chịu 9 vòng trừng phạt kinh tế từ Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, bất chấp các yêu cầu từ Ukraine, lĩnh vực hạt nhân của Nga vẫn chưa bị cấm vận.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Brussels của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gần đây, ông đã đưa ra 3 yêu cầu cơ bản trước Liên minh châu Âu. Các yêu cầu này bao gồm gia nhập EU nhanh chóng, nhận được thêm các máy bay chiến đấu từ phương Tây và một vòng trừng phạt Nga khác.

Phản ứng lại các yêu cầu này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng tuyên bố sẽ giáng đòn trừng phạt thứ 10 vào Điện Kremlin để ghi nhớ một năm chiến sự nổ ra. Theo bà, đề xuất này sẽ nhắm mục tiêu tới kim ngạch xuất khẩu của Nga, đưa thêm càng nhiều cá nhân và tổ chức vào danh sách đen, từ đó “bỏ đói” bộ máy quân sự của Nga.

Tuy nhiên, đây có vẻ không phải là điều mà nhà lãnh đạo Ukraine mong muốn được nghe. Phát biểu trước 27 nhà lãnh đạo châu Âu, ông gửi lời cảm ơn vì các gói trừng phạt nhưng nhấn mạnh chúng chưa đủ để hạn chế Nga. Ông khẳng định Nga đã “tạo ra một mối đe dọa về thảm họa phóng xạ tại châu Âu” trong khi ngành công nghiệp hạt nhân của nước này vẫn không phải chịu bất kỳ lệnh trừng phạt nào. Điều này là “không bình thường” và cần phải được giải quyết.

Kế hoạch cấm vận ngành năng lượng hạt nhân của Nga

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên các quan chức Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây của mình trừng phạt ngành công nghiệp hạt nhân Nga, đặc biệt là công ty năng lượng hạt nhân thuộc sở hữu nhà nước Rosatom.

Kể từ khi được thành lập năm 2007 tới hiện tại, Rosatom đã vươn lên trở thành một trong những nhà cung cấp uranium làm giàu và lò phản ứng hạt nhân hàng đầu thế giới. Công ty này đang có 34 dự án xây dựng tại các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, Rosatom cũng là bên chịu trách nhiệm kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền đông Ukraine, nơi đang diễn ra giao tranh ác liệt.

Việc Nga chiếm quyền nhà máy điện hạt nhân này đã thúc đẩy một làn sóng kêu gọi EU đưa các giám đốc của Rosatom vào danh sách đen của mình. Tuy nhiên cho tới hiện tại, vẫn chưa có bất kỳ cá nhân liên quan nào xuất hiện.

Theo Euronews trích dẫn người phát ngôn của Ủy ban châu Âu, tên của các nhà quản lý Rosatom không có trong danh sách đen là do sự đồng thuận chính trị không đủ cao trong EU. Ngoài ra, khối này cũng chưa tìm ra bất kỳ ràng buộc rõ ràng nào giữa Rosatom và chiến dịch quân sự đặc biệt.

Trước đó hồi tháng 9/2022 khi Brussels đang chuẩn bị vòng trừng phạt thứ 7 lên Nga, nhóm 5 quốc gia gồm Ba Lan, Estonia, Latvia, Litva và Ireland cũng đã đề xuất “cấm hợp tác với Nga về mảng năng lượng hạt nhân”. Tuy nhiên đề xuất này đã không được thông qua và việc vận chuyển nhiên liệu hạt nhân của Nga vẫn được miễn trừ hoàn toàn khỏi các lệnh cấm toàn bộ các tàu buôn của Nga trên các cảng tại châu Âu.

Rosatom là nhà cung cấp uranium làm giàu và lò phản ứng hạt nhân hàng đầu thế giới. Ảnh: Getty Images.

Rosatom là nhà cung cấp uranium làm giàu và lò phản ứng hạt nhân hàng đầu thế giới. Ảnh: Getty Images.

Sự phụ thuộc của EU vào ngành năng lượng hạt nhân Nga

Ngược lại với sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga, châu Âu trên thực tế không phụ thuộc vào nguồn cung uranium từ Nga. Theo số liệu từ Eurostat năm 2021, Nga là nhà cung cấp uranium lớn thứ 3 của khối với 19,7% thị phần. Nằm ở 2 vị trí đầu là Niger (24,3%) và Kazakhstan (23%), một nước cộng hòa thuộc khối Liên Xô cũ hiện vẫn đang duy trì quan hệ thân thiện với Nga.

Thay vào đó, ông Mycle Schneider, điều phối viên của Báo cáo Tình trạng Ngành công nghiệp Hạt nhân Thế giới, nhận định với Euronews sự phụ thuộc của châu Âu nằm ở một nơi khác.

Tính tới hiện tại, 5 quốc gia thành viên EU đang vận hành 19 lò phản ứng hạt nhân do Nga sản xuất, trong đó có 6 ở Cộng hòa Czech, 5 ở Slovakia, 4 ở Hungary, 2 ở Phần Lan và 2 ở Bulgaria. 15/19 lò phản ứng này thuộc mẫu VVER-440 trong khi 4 lò phản ứng còn lại là mẫu VVER-1000.

Do dòng VVER là mẫu lò phản ứng được thiết kế và phát triển bởi OKB Gidropress, một công ty con do Rosatom kiểm soát, công ty nhà nước này nghiễm nhiên trở thành "nhà sản xuất duy nhất trên thế giới" có khả năng bảo dưỡng các tổ hợp nhiên liệu trong các nhà máy điện hạt nhân này.

Tổ hợp nhiên liệu là một cấu trúc gồm các thanh dài chứa các viên uranium và được đặt bên trong lõi của mỗi lò phản ứng hạt nhân. Việc duy trì các tổ hợp này là một yêu cầu không thể thiếu để giữ cho các nhà máy hạt nhân hoạt động an toàn và hiệu quả.

Tuy đã có 2 công ty phương Tây là Westinghouse (Mỹ) và Framatome (Pháp) đang cố gắng thay thế Nga trong việc cung cấp các dịch vụ liên quan tới lò phản ứng VVER, công việc các công ty này chủ yếu xoay quanh dòng VVER-1000. Trong khi đó, hiện khối này đang đạt được rất ít tiến bộ liên quan tới dòng VVER-440.

Một trọng tâm khác của cuộc tranh luận nằm ở việc các nhà máy hạt nhân chứa các lò phản ứng do Nga sản xuất vẫn đang hoạt động. Năng lượng hạt nhân cũng chiếm một phần đáng kể trong sản xuất điện tại các nước này, ví dụ như 32,8% ở Phần Lan và 52,3% ở Slovakia. Việc lò phản ứng Mochovce-3 của Slovakia, một phần của dòng VVER, vừa đi vào hoạt động hồi đầu tháng 2/2023 càng làm sâu sắc hơn mối liên hệ của nước này với ngành năng lượng hạt nhân Nga.

Hungary trong năm 2022 cũng đã cấp giấy phép xây dựng để mở rộng nhà máy điện hạt nhân Paks với 2 lò phản ứng thuộc mẫu VVER-1200 mới nhất - nâng tổng số lò phản ứng do Nga sản xuất trong nước lên con số 6.

Vì vậy, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu một lệnh cấm hợp tác với Nga trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân vấp phải sự phản đối của Budapest. Bản thân Thủ tướng Hungary Viktor Orbán hồi tháng 1 đầu năm cũng khẳng định nước này sẽ “không cho phép kế hoạch đưa năng lượng hạt nhân vào các biện pháp trừng phạt được thực hiện”.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố Budapest sẽ phủ quyết mọi lệnh trừng phạt của EU nếu chúng ảnh hưởng đến ngành năng lượng hạt nhân của Nga. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố Budapest sẽ phủ quyết mọi lệnh trừng phạt của EU nếu chúng ảnh hưởng đến ngành năng lượng hạt nhân của Nga. Ảnh: Reuters

Tin liên quan

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.