EU phê chuẩn kế hoạch sử dụng lợi nhuận từ tài sản đóng băng của Nga

chiến sự Nga - Ukraine
10:05 - 22/05/2024
Ngoại trưởng Czech Jan Lipavsky. Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Czech Jan Lipavsky. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua kế hoạch sử dụng 90% lợi nhuận thu được từ tài sản bị đóng băng của Nga ở EU để cung cấp hỗ trợ cho Ukraine.

“Chúng tôi đã chấp thuận sử dụng nguồn thu từ tài sản bị phong tỏa của Ngân hàng Trung ương Nga ở EU để giúp đỡ Ukraine. Có tới 3 tỷ Euro (3,2 tỷ USD) trong năm nay, 90% số tiền này dành cho quân đội Ukraine,” Ngoại trưởng Czech Jan Lipavsky viết trên mạng xã hội X ngày 21/5, theo Interfax.

Thông báo của quan chức này được đưa ra sau khi Hội đồng châu Âu (EC) cùng ngày tuyên bố đã phê duyệt một số đạo luật cho phép sử dụng lợi nhuận ròng để “hỗ trợ quân sự cho Ukraine, nâng cao năng lực và tái thiết ngành công nghiệp quốc phòng của nước này”.

Theo thỏa thuận, 90% số tiền thu được sẽ được chuyển vào quỹ do EU điều hành để hỗ trợ quân sự cho Ukraine, trong khi 10% còn lại sẽ hỗ trợ Kiev theo những cách khác. Các nhà ngoại giao EU cho biết Ukraine dự kiến ​​sẽ nhận được đợt hỗ trợ đầu tiên vào tháng 7 năm nay.

Bloomberg cho biết, EU đã có kế hoạch chuyển lợi nhuận thu từ tài sản đóng băng của Nga cho EU kể từ ngày 15/2/2024 trở đi. Báo cáo cho biết, tài sản Nga có thể sinh lời khoảng 5 tỷ Euro (5,4 tỷ USD) mỗi năm và Ukraine sẽ được nhận hỗ trợ 2 lần một năm. EU kỳ vọng các tài sản này sẽ mang lại lợi nhuận khoảng 15-20 tỷ Euro (16,3-21,7 tỷ USD) vào năm 2027.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã gửi lời cảm ơn quyết định của EU, đồng thời nhấn mạnh rằng mục tiêu cuối cùng của Kiev là tịch thu tài sản tài chính của Moscow chứ không chỉ là hưởng lợi từ tiền lãi. “Đây là lý do tại sao nên cần có bước thứ 3 - mà chúng tôi đã đề cập từ đầu năm, thực sự phải là tịch thu tài sản,” ông Kuleba nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Kirill Logvinov - Quyền Đại diện thường trực của Nga tại EU Kirill Logvinov, tuyên bố quyết định của EU “sẽ gây ra những hậu quả khó lường đối với Khu vực đồng Euro, nền kinh tế của các thành viên trong khối và môi trường đầu tư”.

“Điều duy nhất có thể dự đoán được là EU sớm hay muộn sẽ có nghĩa vụ phải trả lại cho đất nước chúng tôi những gì đã bị đánh cắp,” ông Logvinov tuyên bố.

Ngay sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào năm 2022, nhóm G7 đã đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD tài sản của Nga. Kể từ đó, EU và G7 đã tranh luận về cách thức và khả năng sử dụng khoản tài chính để hỗ trợ Ukraine.

Trong tuần này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đang thúc đẩy các nước G7 đồng ý kế hoạch sử dụng lợi nhuận thu từ tài sản đóng băng của Nga để hỗ trợ khoản vay lớn hơn cho Ukraine.

Trong khi đó, Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây sẽ nhận lấy hậu quả nếu số tiền bị tịch thu hoặc sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào để giúp đỡ Ukraine. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov từng tuyên bố Moscow sẽ thách thức các bước đi của phương Tây nhằm chiếm đoạt tài sản của Nga.

Quan chức này cho biết, động thái tịch thu tài sản Nga sẽ kéo theo “những chi phí tư pháp và pháp lý rất nghiêm trọng đối với những người đưa ra những quyết định như vậy và những người lợi dụng những quyết định đó”. Bên cạnh đó, Moscow sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả mạnh mẽ trước hành động của phương Tây.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Cảnh sát tuần tra bên ngoài trung tâm báo chí, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại thành phố Bari, Italy, ngày 12/6/2024. Ảnh; Reuters

Hội nghị thượng đỉnh G7 khai mạc tại Italy

Từ 13 – 15/6/2024, Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra tại miền nam Italy trong bối cảnh các nhà lãnh đạo của nhóm này mong muốn thể hiện sự đoàn kết trước các vấn đề kinh tế, chính trị quan trọng cũng như tăng cường hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga.