FLC lỗ gần 1.900 tỷ đồng trong 9 tháng, danh mục chứng khoán âm 85%

flc DOANH NGHIỆP
09:39 - 31/10/2022
FLC kinh doanh kém sắc quý thứ 3 liên tiếp.
FLC kinh doanh kém sắc quý thứ 3 liên tiếp.
0:00 / 0:00
0:00
Tập đoàn FLC (mã FLC) ghi nhận quý thua lỗ thứ 3 liên tiếp, đẩy lỗ luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022 lên gần 1.900 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, công ty vẫn có lãi 69 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2022 vừa công bố, trong quý 3, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của tập đoàn đạt 429 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán giảm ít hơn với tỷ lệ 60% khiến FLC lỗ gộp hơn 96 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái có lãi gộp 144 tỷ.

Doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm hơn 93% xuống còn chưa đầy 18 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính tăng 58% lên gần 106 tỷ đồng, riêng chi phí lãi vay là 85 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên 267 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần cùng kỳ. Kết quả, FLC ghi nhận lỗ sau thuế 785 tỷ đồng. Đây là quý thua lỗ thứ 3 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Theo giải trình của FLC, doanh thu và giá vốn hàng bán kỳ này giảm 60-70% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng bởi tình hình chung của thị trường kinh doanh bất động sản, chính sách tín dụng cho nhà đầu tư địa ốc, do sự thay đổi vị trí lãnh đạo chủ chốt của công ty và công ty đang trong quá trình cấu trúc lại bộ máy, các khoản kinh doanh cốt lõi.

Doanh thu tài chính giảm trong khi chi phí tài chính tăng là do ảnh hưởng của quá trình cơ cấu lại các khoản vay. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh do tăng trích lập dự phòng các khoản phải thu quá hạn. Bên cạnh đó là ảnh hưởng của khoản thua lỗ từ mảng hàng không, dịch vụ khách sạn.

Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy tại ngày 30/9 năm nay, FLC đang góp 4.015 tỷ đồng vào CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), tương đương 21,7% vốn của hãng bay này. Phần chia lỗ của FLC trong Bamboo Airways là 1.269 tỷ đồng, tương ứng với giá trị hợp lý còn lại là 2.746 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, FLC mang về 2.090 tỷ đồng doanh thu, giảm 63% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế âm 1.891 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 69 tỷ đồng.

Tổng tài sản của FLC tại thời điểm cuối quý 3/2022 là 36.216 tỷ đồng, tăng gần 2.500 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản tăng chủ yếu đến từ các khoản phải thu ngắn hạn. Ngược lại, đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn giảm đáng kể. Trong đó, khoản chứng khoán kinh doanh ghi nhận 174 tỷ đồng, giảm 90 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Công ty phải trích lập dự phòng giảm giá cho khoản này tới 148 tỷ đồng.

Các cổ phiếu mà FLC nắm giữ là AMD, HAI, KLF. Đây là các cổ phiếu của các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của FLC và đều giảm giá mạnh sau khi FLC gặp biến cố liên quan đến việc cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị bắt.

Thời điểm lập báo cáo, khoản chứng khoán kinh doanh của FLC chỉ còn giá trị hợp lý là gần 26 tỷ đồng, tương đương mức thua lỗ là -85%.

Nợ phải trả của FLC là 28.271 tỷ đồng, tăng gần 4.000 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ ngắn hạn tăng từ 16.000 tỷ đồng lên hơn 20.000 tỷ đồng. Trong đó, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn tăng gần 2.000 tỷ đồng lên hơn 7.000 tỷ đồng; vay nợ tăng hơn 1.000 tỷ đồng lên 3.193 tỷ đồng. Ngược lại, các khoản phải trả ngắn hạn khác ghi nhận giảm hơn 1.000 tỷ đồng.

Nợ dài hạn không nhiều biến động với 8.091 tỷ đồng. Tuy nhiên có sự thay đổi trong cơ cấu với các khoản phải trả dài hạn khác tăng hơn 2.000 tỷ đồng lên 6.025 tỷ đồng (phát sinh nhận hợp tác với CTCP BEDA T&C 2.277 tỷ đồng); còn vay nợ dài hạn giảm hơn 2.000 tỷ đồng xuống còn 1.822 tỷ đồng.

Như vậy, tổng nợ vay của FLC đến thời điểm cuối quý 3 là hơn 5.000 tỷ đồng. Công ty đã trả hết hơn 800 tỷ đồng vay nợ tại Ngân hàng Phương Đông (OCB); hơn 1.800 tỷ đồng vay tại Ngân hàng Sacombank; giảm vay tại nhiều ngân hàng khác và trái phiếu. Ngược lại, công ty ghi nhận khoản vay 621 tỷ đồng từ ông Lê Thái Sâm – thành viên HĐQT, 36 tỷ đồng từ cá nhân Cao Ngọc Kim Ngân và 185 tỷ đồng từ CTCP Homeliday.

Tin liên quan

Đọc tiếp