Năm 2022, doanh thu mảng giáo dục của FPT tăng 53% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4.712 tỷ đồng. |
Chuyên viên phân tích của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã tham dự buổi họp gặp gỡ nhà đầu tư tổ chức theo hình thức trực tuyến của CTCP FPT (mã FPT) vào ngày 23/2, thảo luận về triển vọng kinh doanh năm 2023 của công ty và các chủ đề khác xung quanh các mảng kinh doanh cốt lõi của công ty.
Theo ước tính của ban lãnh đạo, nhu cầu chuyển đổi kỹ thuật số (DX) và hoạt động M&A tăng nhanh sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu mảng xuất khẩu phần mềm toàn cầu đạt 25% (so với cùng kỳ) vào năm 2023. Trong 2 tháng đầu năm 2023, giá trị hợp đồng mới của FPT ước tính đã tăng 30% so với cùng kỳ.
Ban lãnh đạo đặt mục tiêu doanh thu DX của FPT trong năm 2023 sẽ tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 43%-44% tổng doanh thu xuất khẩu phần mềm, dẫn dắt bởi các công nghệ mới như đám mây, AI & phân tích dữ liệu lớn và tự động hóa quy trình bằng robot.
Ngoài ra, công ty tin rằng các khoản đầu tư M&A nên là ưu tiên hàng đầu cho chiến lược tăng trưởng toàn cầu của FPT trong năm nay, bao gồm cả thương vụ mua lại mảng dịch vụ CNTT Intertec của Mỹ vừa được công bố gần đây.
FPT dự phóng mức tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ 2 chữ số tại các thị trường xuất khẩu phần mềm chính. Công ty kỳ vọng tăng trưởng doanh thu tại thị trường Nhật Bản sẽ tăng lên 20% so với cùng kỳ trong năm 2023, từ mức 16% của năm 2022 trong bối cảnh tỷ giá JPY/VND dự kiến sẽ ổn định.
Đối với thị trường Mỹ, FPT kỳ vọng mức giá dịch vụ thấp hơn so với các công ty cùng ngành sẽ vẫn là lợi thế cạnh tranh chính trong bối cảnh nhu cầu yếu. Trong khi đó, FPT đang đẩy nhanh việc mở các trung tâm giao nhận tại châu Âu để tăng cường sự hiện diện và đạt mức tăng trưởng doanh thu ổn định 20% so với cùng kỳ trong năm 2023.
Những khó khăn tại thị trường Việt Nam đặt ra thách thức cho mảng kinh doanh CNTT trong nước của FPT. FPT đã thảo luận và/hoặc ký kết các dự án chuyển đổi số với 25 tỉnh thành trên cả nước. Công ty cũng duy trì quan điểm tích cực về việc tăng tốc giải ngân vốn CNTT công trong năm 2024-2025. Tuy nhiên, ban lãnh đạo dự kiến sẽ gặp khó khăn trong mảng tư nhân do cắt giảm chi tiêu của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Đối với mảng viễn thông, ban lãnh đạo duy trì mục tiêu phát triển hệ sinh thái viễn thông lấy khách hàng làm trung tâm và dựa theo dữ liệu. Động lực tăng trưởng dài hạn của mảng viễn thông của FPT là tiếp tục là phát triển hệ sinh thái hạ tầng và công nghệ đáp ứng nhu cầu của người dùng cuối. Ngoài ra, FPT đặt mục tiêu mở rộng mảng kinh doanh truyền hình trả tiền và trung tâm dữ liệu, 2 mảng kinh doanh đóng góp doanh thu chính cho mảng dịch vụ viễn thông.
Còn với mảng giáo dục, FPT đặt kế hoạch mở rộng mạnh để đạt tăng trưởng doanh thu ổn định 30%/năm trong thời gian tới. Năm 2022, FPT đã làm việc với nhiều tỉnh thành để thành lập các trường đại học mới và trường bậc học phổ thông (K-12). Ban lãnh đạo dự kiến trường K-12 của FPT tại Hà Nam sẽ bắt đầu đi vào hoạt động vào cuối năm 2023.
Tổng số học sinh của FPT tăng khoảng 50% so với cùng kỳ vào năm 2022 và vượt qua cột mốc hơn 100.000 học sinh toàn thời gian tương đương, được hỗ trợ bởi nhu cầu lớn cho giáo dục tư thục tại Việt Nam.
FPT đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với dự kiến doanh thu tăng trưởng 18,8% lên 52.289 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 18,3% lên 9.055 tỷ đồng.
Năm 2022, FPT đạt doanh thu 44.017 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.654 tỷ đồng, lần lượt tăng 23,4% và 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 104% mục tiêu doanh thu và 100% lợi nhuận đặt ra. EPS đạt 4.421 đồng/cổ phiếu, tăng trưởng 22,2% so với năm trước.