FPT là một trong các doanh nghiệp chia cổ tức đều đặn. Ảnh: Phạm Ngọc |
Theo nghị quyết HĐQT ngày 20/7, FPT sẽ tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% (mỗi cổ phiếu được nhận 1.000 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng là 25/8/2023. Ngày chi trả là 12/9. Với hơn 1,26 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, tập đoàn sẽ chi tương ứng hơn 1.260 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này.
Năm 2023, FPT dự kiến chia cổ tức 20% bằng tiền. Với năm 2022, tập đoàn công nghệ đã hoàn thành 2 đợt chia cổ tức bằng tiền mặt với tổng tỷ lệ 20%. FPT còn phát hành gần 165 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 20:3, tương ứng cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu được nhận thêm 3 cổ phiếu mới.
FPT quyết định tạm ứng cổ tức cho cổ đông ngay sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023. Trong quý này, tập đoàn ghi nhận 12.485 tỷ đồng doanh thu, 1.509 tỷ đồng lãi ròng; tăng lần lượt 24% và 21% so với quý 2/2022. Đây cũng là quý có lãi ròng cao nhất từ trước đến nay của FPT.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tập đoàn mang về tổng doanh thu 24.166 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.339 tỷ đồng, tăng lần lượt 22%, 19% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng đạt 3.003 tỷ đồng, tăng 21%.
Tổng tài sản của FPT tại thời điểm 30/6/2023 đạt mức 60.556 tỷ đồng, tăng 17,3% so với số đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng thay đổi lớn nhất.
Cụ thể, cuối quý 2, tập đoàn có tổng cộng 26.688 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, tăng 37,5% so với đầu năm và tăng gần 54% so với cuối quý 1/2023. Số tiền này hiện đang chiếm khoảng 44% tổng tài sản.
Như vậy khoản mục tiền của FPT đã tăng trưởng trở lại sau khi bắt đầu giảm từ quý 3/2022. Mức tiền của FPT hiện tại cũng đã gần bằng mức kỷ lục của quý 2/2022. Tiền gửi hưởng lãi suất mang về cho FPT 753 tỷ đồng tiền lãi trong nửa đầu năm - tương đương 1/6 lợi nhuận trước thuế trong kỳ.
Sự tăng trưởng tiền mặt được hỗ trợ bởi việc nợ vay tài chính. Cuối quý 2, tổng nợ vay tài chính của doanh nghiệp 19.545 tỷ đồng, tăng 58% so với cuối quý 1, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Đa số các khoản vay của doanh nghiệp này đều là nợ vay ngân hàng.
Trong đó, công ty vay 6.576 tỷ đồng bằng USD, 3.816 tỷ đồng bằng Yên Nhật và 9.152 tỷ đồng bằng VND. Nhờ việc đồng Yên Nhật liên tục trượt giá trong thời gian gần đây, công ty đã lãi ròng khoảng 56 tỷ đồng nhờ chênh lệch tỷ giá.
Vay nợ tăng nhưng tổng chi phí lãi vay nửa đầu năm của FPT chỉ bằng gần một nửa khoản thu từ lãi tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp, ở mức 360 tỷ đồng. Như vậy, tập đoàn lãi ròng từ nghiệp vụ tài chính này khoảng 390 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của FPT đạt 28.595 tỷ đồng, tăng 27,7% so với số đầu năm. Trong đó, vốn góp chủ sở hữu là 11.043 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 10.666 tỷ đồng. Sau khi trả cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của doanh nghiệp đã tăng lên 12.699 tỷ đồng.