MXV cho rằng, giá dầu thế giới nối dài đà tăng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chính thức hạ lãi suất lần đầu tiên 4 năm thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Sau phiên họp chính sách diễn ra trong vòng hai ngày 18 - 19/9, FED đã quyết định hạ mức lãi suất mục tiêu xuống 4,75 - 5%, tương đương giảm 50 điểm cơ bản, phù hợp với dự báo của phần lớn thị trường.
Ảnh: MXV |
Thêm vào đó, những dữ liệu tích cực của Mỹ cũng đã xoa dịu đi những lo ngại suy thoái của nền kinh tế số một thế giới khi doanh số bán lẻ tháng 8 của Mỹ cũng bất ngờ ghi nhận đà tăng 0,1% so với tháng trước đó, trái ngược với dự báo giảm của thị trường trong khi doanh số bán lẻ trong tháng 7 được điều chỉnh tăng nhẹ.
Áp lực tồn kho và nguồn cung sụt giảm từ Mỹ đã góp phần thúc đẩy đà tăng trên thị trường. Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết biết tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 13/9, giảm 1,63 triệu thùng, trái ngược với mức tăng gần 2 triệu thùng đã được Viện Dầu khí Mỹ (API) được công bố trước đó. Sản lượng dầu thô của Mỹ trong cùng thời điểm cũng giảm 100.000 thùng/ngày khi hoạt động sản xuất tại khu vực Vịnh Mexico bị ảnh hưởng do bão.
Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc dẫn đầu để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Lybia đã không đạt được thỏa thuận trong tuần này. Mặc dù xuất khẩu dầu của nước này tăng gấp 3 lần trong tuần trước, tuy nhiên con số 550.000 thùng/ngày vẫn chỉ bằng một nửa so với một tháng trước.
Trên thị trường kim loại, thị trường này cũng trải qua tuần biến động mạnh với tâm điểm hướng về sự kiện FED hạ lãi suất. MXV cho biết, đối với nhóm kim loại quý, giá bạc tăng hai tuần liên tiếp với mức tăng 1,39%, lên 31,5 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng hơn hai tháng qua. Ở chiều ngược lại, giá bạch kim quay đầu giảm từ mức đỉnh gần hai tháng khi để mất 2,47% giá trị, chốt tuần, giá mặt hàng này được niêm yết ở mức 981,9 USD/ounce.
Ảnh: MXV |
Theo MXV, quyết định cắt giảm mạnh tay lãi suất của FED được giới chuyên gia đánh giá là “ôn hòa” và là một khởi đầu lạc quan cho chiến dịch nới lỏng tiền tệ. Giá kim loại quý, mặt hàng vốn nhạy cảm với biến động lãi suất, cũng được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ động thái này. Tuy nhiên, giá bạc và giá bạch kim lại biến động trái chiều sau đó, phản ánh việc giới đầu tư vẫn đang thận trọng đánh giá tác động của chính sách lên giá. Giới chuyên gia lại cho biết, triển vọng giá kim loại quý vẫn nghiêng về xu hướng tăng, ít nhất là trong ngắn hạn.
Đối với kim loại cơ bản, diễn biến đáng chú ý nhất của nhóm thuộc về sự bứt phá lên mức cao nhất hơn hai tháng của giá đồng COMEX. Cụ thể, đóng cửa tuần qua, giá mặt hàng này tăng 2,53%, lên 9.574 USD/tấn, mức cao nhất kể từ giữa tháng 7, đồng thời đánh dấu tuần tăng giá thứ hai liên tiếp.
MXV cho rằng, sự kỳ vọng về nhu cầu tăng theo mùa tiêu thụ cao điểm tại Trung Quốc tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng trong tuần trước. Hơn nữa, sau loạt dữ liệu yếu kém gần đây, Chính phủ nước này được dự báo sẽ sớm ban hành các chính sách để vực dậy nền kinh tế, đây cũng là trợ lực giữ đà tăng cho giá đồng.
Ngoài ra, về yếu tố vĩ mô, giá đồng cũng được hưởng lợi sau động thái FED cắt giảm lãi suất. Trong dự báo mới đây, ngân hàng Bank of America cho biết giá đồng sẽ tiếp tục neo ở mức cao khi FED nới lỏng chính sách tiền tệ.