Đào tào lao động nông nghiệp theo yêu cầu của thị trường. Ảnh: Học viện Nông nghiệp. |
Tại Hội nghị “Hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn" ngày 11/7, đánh giá về vai trò của công tác phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn hiện đại, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, đây là tiền đề quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững của toàn ngành.
Nhấn mạnh “dù sinh viên học bất cứ ngành nào cũng phải bước vào đời sống xã hội nên các trường cần mở rộng cửa đưa xã hội vào trường học", người đứng đầu Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ sẽ tiếp tục làm việc với các trường, các doanh nghiệp để việc đào tạo nguồn nhân lực đi đúng quỹ đạo thị trường.
Gợi ý về các hình thức kết hợp giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong ngành, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng có thể kết nối thông qua nhu cầu tuyển dụng lao động, đặc biệt là nhân lực nông nghiệp chất lượng cao.
Ngoài ra, các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp có thể kết nối thông qua hỗ trợ và khuyến khích sinh viên đăng ký học các ngành nông nghiệp, đặc biệt là các ngành khó tuyển sinh, khó xã hội hoá.
“Các trường cần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ. Cùng với đó là đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của xã hội về các cơ hội trong học tập, cơ hội việc làm, cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan định hướng.
Ảnh: Mard "Đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp cũng là xu hướng tất yếu và mang lại giá trị lâu dài cho các trường, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp nông nghiệp. Bộ NN&PTNT mong muốn có nhiều thoả thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức và các cơ sở đào tạo tạo nông nghiệp”.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo ngành nông nghiệp chỉ chiếm dưới 5%
Tại hội thảo, ông Ngô Hồng Giang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ NN&PTNT cho biết, cả nước hiện có khoảng 50 cơ sở đào tạo đại học có các chuyên ngành về nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản và thuỷ lợi.
Bộ NN&PTNT hiện có 4 cơ sở đào tạo đại học và 28 trường cao đẳng. Đến năm 2022, các cơ sở đào tạo của Bộ NN&PTNT đã đào tạo 38 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, 39 ngành đào tạo thạc sĩ và 97 ngành đào tạo trình độ đại học, 112 ngành đào tạo cao đẳng và 122 ngành trung cấp.
“Trong thời gian qua, bằng các nguồn kinh phí khác nhau, các cơ sở đào tạo đã nỗ lực nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực nông nghiệp còn bộc lộ một số tồn tại, thách thức”, ông Giang nói.
Làm rõ những khó khăn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ NN&PTNT cho biết, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ trình độ sơ cấp trở lên được đào tạo trong ngành nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ thấp, dưới 5%.
Tỷ lệ học sinh, sinh viên đăng ký các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản giảm hơn 30% so với giai đoạn 2011 - 2015. Năm 2022, tỷ lệ này chiếm chưa đến 2% trong tổng số khoảng 520.000 sinh viên nhập học trên toàn quốc và có xu hướng tiếp tục giảm.
Một số ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản truyền thống là khoa học đất, khuyến nông, khai thác thủy sản, quản lý và khai thác nguồn lợi biển đảo, quản lý tài nguyên rừng có rất ít hoặc thậm chí không có sinh viên đăng ký theo học.
“Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ và sản xuất, chế biến, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp”, ông Giang nhấn mạnh.
Nguyên nhân được ông Vũ Hồng Giang chỉ ra, một phần do thu nhập của lao động trong ngành nông, lâm và thuỷ sản còn thấp, chỉ bằng khoảng 50% so với các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Ngoài ra, sự phối hợp và kết nối giữa các cơ sở đào và các doanh nghiệp chưa thật sự có hệ thống và định hướng dài hạn.
Cần đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp
Về điểm nghẽn trong kết nối doanh nghiệp nông nghiệp với nhân lực của ngành, bà Nguyễn Thị Trà My, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn PAN chia sẻ, PAN luôn mong muốn tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao để tối ưu được các hoạt động của tập đoàn trong mảng nông nghiệp và thực phẩm.
Bà Nguyễn Thị Trà My, Tập đoàn PAN. |
Tuy nhiên, bà My nhìn nhận, hiện nay nhiều bạn sinh viên còn thiếu niềm đam mê với nghề nghiệp như ngại đi xa, vất vả, xa nhà, đặc biệt với đặc thù ngành nông nghiệp. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu về nguồn lực của tập đoàn.
“Tập đoàn PAN muốn lan tỏa để sinh viên có ước mơ, định hướng cần cố gắng như thế nào để phù hợp với công việc tốt cho tương lai. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ và Bộ NN&PTNT có chính sách đầu tư hơn nữa về nguồn nhân lực ngành nông nghiệp”, bà My nêu ý kiến.
Theo bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hiện nay nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành nông nghiệp rất cao. Việc hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp là xu hướng tất yếu và mang lại giá trị lâu dài cho các bên.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện đã xây dựng mạng lưới liên kết với trên 200 doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế lớn như Bitexco, Trungnam group, CP group, Doveco, ThaiBinh seed...
“Để tạo động lực cho các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo tìm đến nhau và kết hợp bền vững, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, thể chế để tạo được sự động viên, hỗ trợ doanh nghiệp nếu họ tham gia vào quá trình đào tạo”, bà Nguyễn Thị Lan nêu nhu cầu.
Lễ ký kết hợp tác của Học viện Nông nghiệp Việt Nam với 10 doanh nghiệp. Ảnh: Mard. |
Cũng tại hội nghị, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã ký kết hợp tác với 10 doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau để 16.500 lượt sinh viên có thể thăm quan trải nghiệm tại các doanh nghiệp này. Các doanh nghiệp cũng cam kết bố trí lực lượng chuyên gia, cán bộ kỹ thuật giỏi tham gia đào tạo kỹ năng mềm, hỗ trợ khởi nghiệp hoặc hướng dẫn sinh viên.