Gỗ là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 6 trong 8 tháng đầu năm

Gỗ Việt nAM
07:54 - 02/09/2022
Gỗ là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 6 trong 8 tháng đầu năm
0:00 / 0:00
0:00
Theo Tổng cục Thống kê, gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng thứ 6 có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm, đạt 11 tỷ USD, tương ứng chiếm 4,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 8/2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 851 triệu USD, tăng 60,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Còn số liệu của Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu sản phẩm gỗ trong 8 tháng đầu năm chiếm tỷ trọng lớn nhất với 70% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam, đạt 7,7 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2021, sản phẩm gỗ xuất khẩu giảm nhẹ 3%.

Trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh trong tháng 8/2022. Nguyên nhân chủ yếu là do trước đó vào tháng 8/2021, hoạt động sản xuất và xuất khẩu gỗ bị gián đoạn do tình hình dịch bệnh Covid-19, khiến sản lượng gỗ ở mức thấp. Một số nhà máy đã phải đóng cửa trong bối cảnh giãn cách xã hội của Việt Nam.

Mặt khác, ở thời điểm hiện tại, xung đột giữa Nga – Ukraine khiến giá vận chuyển và nguyên liệu tăng cao, điều này dẫn tới giá thành sản phẩm cũng tăng theo. Các yếu tố trên đã thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam tăng mạnh trong tháng 8.

8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 11 tỷ USD mặt hàng gỗ, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện cao su là một trong 6 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 10 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm (sau điện thoại và linh kiện; điện tử, máy móc, linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; dệt may và giày dép).

Về cơ cấu xuất khẩu gỗ, Bộ Công Thương cho biết đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm, mặt hàng này lại có sự sụt giảm tương đối ở mức 7,6%, đạt 6,3 tỷ USD. Hầu hết các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đều giảm có trị giá giảm, trừ mặt hàng đồ nội thất nhà bếp.

Bộ Công Thương nhận định, mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ là nhóm hàng có giá trị gia tăng cao, cần được đẩy mạnh xuất khẩu. Dù vậy, trước bối cảnh lạm phát tăng cao của các nước châu Âu, Mỹ…, cùng với xung đột Nga – Ukraine khiến giá vận chuyển, nguyên liệu đầu vào tăng cao. Do vậy, khả năng xuất khẩu ngành hàng trong các tháng cuối năm còn kém lạc quan.

Đối với chủng loại gỗ dăm, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ dăm đạt 1,45 tỷ USD, tăng 34,9%. Mặt hàng này được khuyến cáo nên hạn chế xuất khẩu nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho các sản phẩm gỗ của Việt Nam. Điều này cũng được Bộ nhận định là chiến lược phát triển bền vững của ngành gỗ.

Tiếp theo là mặt hàng gỗ, ván và ván sàn đạt 1,2 tỷ USD, tăng 16,2%; cửa gỗ đạt 34 triệu USD, tăng 53,4%; đồ gỗ mỹ nghệ đạt 18,5 triệu USD, tăng 18,9%...

Về thị trường xuất khẩu, hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam lớn nhất, đạt 5,5 tỷ USD, chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu sang Mỹ lại giảm 5,6%.

Đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc, đạt 1,1 tỷ USD và tăng 25%; Nhật Bản đạt 1 tỷ USD và tăng 23%; Hàn QUốc đạt 602 triệu USD, tăng 12,7%...

Tại Hội nghị giao ban ngành gỗ quý III/2022 của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam diễn ra vào cuối tháng 7 vừa qua, hiệp hội đã công bố kết quả khảo sát 52 doanh nghiệp trong ngành về tình hình sản xuất và xuất khẩu. Kết quả cho thấy, có 33/45 doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ có doanh thu giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Tại thị trường EU, có 24/38 doanh nghiệp có doanh thu giảm trên 41% so với các tháng trước đó. Tại thị trường Anh, có 17/25 doanh nghiệp cũng thông báo giảm trên 41%.

Theo ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng, các con số khảo sát cho thấy tình hình ảm đạm của xuất khẩu gỗ thời gian trước. Doanh nghiệp hiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó bao gồm về vốn, chi phí lao động, nguyên liệu đầu vào.

Trước bối cảnh trên, ông Tô Xuân Phúc đại diện Tổ chức Forest Trends cho rằng phía ngân hàng cần có biện pháp giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn các khoản vay. Trong khi đó, cần giảm tiền đất, hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh nhất; cần có sự bình ổn giá cả; giảm thanh, kiểm tra cũng như hỗ trợ công nhận.

Tin liên quan

Đọc tiếp