Theo Reuters, Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã bỏ phiếu với tỷ lệ 314-117 để đưa dự luật này tới Thượng viện – nơi nó sẽ được ban hành và sau đó chuyển tới bàn của Tổng thống Joe Biden để ký phê chuẩn. Dự luật này cần phải được thông qua trước thời hạn cuối cùng là 5/6 – ngày mà chính phủ liên bang sẽ không còn đủ tiền để thanh toán các hóa đơn của mình.
Tại Hạ viện, thỏa thuận lưỡng đảng này vốn nhận được sự phản đối từ 71 đảng viên Cộng hòa theo đường lối cứng rắn. Số phiếu phản đối này thường đã đủ để ngăn chặn dự luật thông qua. Tuy nhiên, 165 đảng viên Dân chủ - nhiều hơn 149 đảng viên Cộng hòa đã bỏ phiếu - đã bỏ phiếu ủng hộ nên giúp dự luật được thông qua. Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện với đa số sít sao 222-213.
Phát biểu sau sự thành công này, Tổng thống Joe Biden cho biết: "Thỏa thuận này là tin tốt cho người dân Mỹ và nền kinh tế Mỹ. Tôi kêu gọi Thượng viện thông qua nó càng nhanh càng tốt để tôi có thể ký thành luật”.
Trong khi đó, Dân biểu Chip Roy – một thành viên của nhóm bảo thủ House Freedom Caucus – nhận định thỏa thuận này chỉ đem lại “một khoản đóng băng chi tiêu trong 2 năm đầy sơ hở và mánh lới quảng cáo”.
Các đảng viên Cộng hòa theo đường lối cứng rắn mong muốn cắt giảm chi tiêu sâu hơn và cải cách nghiêm ngặt hơn nữa. Theo những nhà lập pháp này, việc cắt giảm mạnh chi tiêu là cần thiết để hạn chế sự gia tăng nợ quốc gia hiện đang ở mức 31.400 tỷ USD - tương đương với sản lượng hàng năm của nền kinh tế Mỹ.
Theo dự báo của chính phủ Mỹ, các khoản thanh toán lãi cho khoản nợ đó được dự đoán sẽ chiếm một phần ngày càng tăng trong ngân sách do dân số già hóa đẩy chi phí y tế và hưu trí tăng cao. Ngoài ra, Reuters trích dẫn Văn phòng Ngân sách Quốc hội cuối ngày 30/5 cho biết, dự luật sẽ chỉ giúp chính phủ tiết kiệm 1.500 tỷ USD trong 10 năm tới. Con số này thấp hơn nhiều mức tiết kiệm 4.800 tỷ USD mà đảng Cộng hòa nhắm đến trong một dự luật mà họ đã thông qua Hạ viện hồi tháng 4.
Lãnh đạo đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schummer. Ảnh: AFP |
Ở một diễn biến khác, sau khi thông qua Hạ viện, thỏa thuận đình chỉ trần nợ sẽ tiếp tục trải qua thử thách tại Thượng viện. Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer và Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Mitch McConnell đều kỳ vọng luật sẽ được ban hành trước cuối tuần. Tuy nhiên nếu bất kỳ ai trong số 100 thượng nghị sĩ cố gắng trì hoãn quá trình này, cuộc tranh luận có thể kéo dài tới cuối tuần.
Hiện có một vài thượng nghị sĩ thể hiện thái độ phản đối dự luật. Trên tài khoản Twitter của mình, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders cho biết ông sẽ phản đối dự luật do nó bao gồm các điều kiện liên quan tới năng lượng và các yêu cầu bổ sung đối với những người nghèo nhận viện trợ lương thực.
Trong khi đó, thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa nổi tiếng với đường lối cứng rắn Rand Paul cho biết ông sẽ không trì hoãn việc thông qua với điều kiện được phép đưa ra một sửa đổi để bỏ phiếu kín.
Trong khi quá trình thông qua dự luật trần nợ đang được đẩy nhanh, các cơ quan xếp hạng tín dụng cũng theo dõi sát sao tình hình tại Mỹ và khả năng nước này vỡ nợ. Bế tắc về trần nợ đã khiến nhiều tổ chức cảnh báo rằng họ có thể hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ vốn là nền tảng của hệ thống tài chính toàn cầu.
Cơ quan xếp hạng tín dụng DBRS Morningstar đã đưa nước này vào diện xem xét khả năng bị hạ bậc vào tuần trước, tương tự với những cảnh báo của Fitch, Moody's và Scope Ratings. Một cơ quan xếp hạng tín dụng khác là S&P Global đã hạ xếp hạng của Mỹ từ sau bế tắc trần nợ tương tự hồi năm 2011.