Chiều 9/8, UBND huyện Cẩm Giàng tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 14/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị. |
Đã lấy 16 mẫu kiểm tra kháng thể bảo hộ
Thông tin tại hội nghị cho biết, mục tiêu và yêu cầu của kế hoạch đặt ra là tập trung tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng chỉ đạo của Tỉnh ủy Hải Dương và kế hoạch của UBND tỉnh.
Tổ chức giám sát, phát hiện sớm, cảnh báo, áp dụng kịp thời và có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tuyên truyền hướng dẫn thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
Thực hiện tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn châu Phi đồng bộ, cùng thời điểm. Ưu tiên tập trung tiêm phòng cho đàn lợn thịt tại khu vực có nguy cơ cao, các cơ sở chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ.
Đồng thời, vận động các tổ chức, cá nhân chăn nuôi trang trại (quy mô vừa và lớn) chủ động thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn theo đúng hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tác động xấu của giá thịt lợn đến giá tiêu dùng, môi trường và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động mua bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn…
Ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng chủ trì hội nghị. |
Theo cơ quan chuyên môn, bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Đến nay bệnh không có thuốc điều trị và mới chỉ có vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn thịt. Vi rút gây ra bệnh dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường tồn tại trong máu, cơ quan, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh và chết bởi bệnh này, các sản phẩm từ lợn trong thời gian dài trong thịt đông lạnh (1.000 ngày), giăm bông (140 ngày). Vi rút có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 60 độ C trong 20 phút.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi có đặc điểm lây lan nhanh, xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn. Bệnh gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, tỷ lệ ốm, chết cao. Bệnh đường truyền lây phức tạp: qua ve mềm, là côn trùng có phổ biến trong tự nhiên, môi trường, dụng cụ chăn nuôi, người buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn... Do vậy, rất khó có thể loại trừ được bệnh nếu dịch bệnh xảy ra.
Lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi có triệu chứng và các thể bệnh khác nhau do đó, việc chẩn đoán dịch tả lợn châu Phi cần lấy mẫu gửi phòng thí nghiệm để xét nghiệm phát hiện vi rút dịch tả lợn châu Phi.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương cho biết, dịch tả lợn châu Phi bắt đầu xuất hiện ở Hải Dương từ 1/3/2019, đến đầu 2020 cơ bản khống chế được. Đến năm 2024 có chiều hướng bùng phát trở lại. Theo báo cáo, tính đến thời điểm này, cả nước có 45 tỉnh, thành phố đã có dịch tả lợn châu Phi, trong đó có một số địa phương bên cạnh Hải Dương.
Theo ông Đức, vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi là một loại vắc xin mới, bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng là bệnh mới, cho nên khả năng tiếp cận, nhận thức của người chăn nuôi về vắc xin này chưa đầy đủ, tỷ lệ tiêm phòng còn thấp. Bên cạnh đó, hệ thống thú y ở tuyến xã, phường trong tỉnh chưa đồng bộ, cán bộ thú y còn kiêm nhiệm nhiều việc, chuyên môn chưa đáp ứng được. Mặt khác, sự quan tâm của chính quyền địa phương cho công tác phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa cao… Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ bùng phát bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng trình bày báo cáo tại hội nghị. |
“Đối với Hải Dương, cho đến hôm nay cơ bản kiểm soát rất tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, trong đó có bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, nếu không làm tốt ngay từ bây giờ, thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại Hải Dương khi mà các tỉnh xung quanh xuất hiện lại rồi thì chỉ là vấn đề thời gian. Vì vậy, chúng ta cần cụ thể, sát sao về công tác phòng, chống dịch," Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương nói.
Ông Nguyễn Minh Đức cho biết thêm, về sử dụng vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, đến nay tại Hải Dương đã dùng cho các huyện Cẩm Giàng, Thanh Hà, Gia Lộc, Kim Thành, với tổng số tiêm được 645 con lợn. Riêng huyện Cẩm Giàng đã tiêm ở 4 xã Đức Chính, Cẩm Hoàng, Cẩm Vũ, Cao An, vừa qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Dương lấy 16 mẫu để kiểm tra kháng thể bảo hộ của đàn lợn tiêm, kết quả tỷ lệ bảo hộ rất tốt. Thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp tiếp tục triển khai theo kế hoạch của tỉnh…
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Là một trong những xã chăn nuôi lớn trong huyện, ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hoàng cho biết, năm 2019, Cẩm Hoàng cũng là một trong những xã phải gồng mình chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Hiện Cẩm Hoàng có 61 hộ chăn nuôi lợn với hơn 6.660 con bao gồm lợn nái, lợn thịt, lợn con và hơn 400.000 con gia cầm. Vừa qua, thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, xã tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi cho 119 con lợn thịt của 5 hộ chăn nuôi, kết quả sau 28 ngày tiêm đến thời điểm này số lợn này vẫn ổn định và đã được Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh lấy mẫu để kiểm nghiệm.
Trước nguy cơ về bệnh dịch tả lợn châu Phi, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hoàng kiến nghị, đề xuất với các cấp, ngành và cơ quan liên quan trong tỉnh, huyện chủ động cấp một phần kinh phí để mua các dung dịch khử khuẩn, sát trùng, vắc xin để phát cho các xã, đặc biệt là các trang trại chăn nuôi lớn để các hộ chủ động phòng chống. Bên cạnh đó triển khai tiêm phòng vắc xin trên diện rộng; dự trù kinh phí hỗ trợ các hộ chăn nuôi trong trường hợp lợn bị chết do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, yêu cầu các hộ chăn nuôi mua vôi bột để rắc các điểm phòng; hạn chế phương tiện, người lạ ra vào các điểm chăn nuôi…
Là người đại diện phụ trách về chuyên môn ở địa phương, bà Nguyễn Thị Kim Lan, cán bộ Thú y xã Cẩm Hoàng cho hay, vào đầu năm, đơn vị thường xuyên tham mưu với UBND xã về việc kiện toàn, thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch gia súc, gia cầm nói chung, đồng thời tham mưu phân công cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo, tiếp đó là thành lập Tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo khi có dịch bệnh xảy ra.
“Nhiều năm làm công tác thú y, chúng tôi thường xuyên giám sát tình hình dịch bệnh và tuyên truyền, vận động nhân dân vệ sinh, tiêm phòng các loại vắc xin để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời, tuyên truyền nhân dân khi có dịch bệnh gia súc, gia cầm thì phải khai báo ngay với cơ quan thú y và chính quyền địa phương… để kịp thời xử lý, không để lây lan ra diện rộng, ảnh hưởng tới môi trường," bà Lan chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Lan, về bệnh dịch của gia súc, gia cầm, công tác phòng vẫn là chủ yếu. Bà Lan kiến nghị cấp trên tổ chức, chỉ đạo nhiều hơn nữa các buổi tập huấn để tuyên truyền đến nhân dân, người chăn nuôi những biện pháp phòng chống, tiêm vắc xin; hỗ trợ nhiều hơn nữa thuốc sát trùng và tiền mua vắc xin để tiêm phòng cho gia súc, gia cầm…
Đại diện hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Cẩm Giàng phát biểu tại hội nghị. |
Bà Trịnh Thị Phúc, chủ trang trại chăn nuôi Trịnh Thị Phúc ở xã Thạch Lỗi cho biết, thời điểm có bệnh dịch tả lợn châu Phi năm 2019, tất cả công nhân làm việc tại nhà bà không ra khỏi trang trại và sinh hoạt tại nhà bà. Mỗi ngày phun sát trùng chuồng trại, xung quanh từ 1 - 2 lần ra đến đường thôn. “Chúng tôi xác định chăn nuôi an toàn sinh học rất quan trọng, đồng thời tại khu vực trang trại sẽ hạn chế, kiểm soát chặt phương tiện vận chuyển đi lại, ra vào,” bà Phúc cho biết thêm.
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng nhấn mạnh, trên cơ sở báo cáo kế hoạch của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và các ý kiến phát biểu tham gia tại hội nghị, quan trọng nhất lúc này là công tác tuyên truyền. Ông Nguyễn Văn Công giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, trực tiếp là Giám đốc Trung tâm mỗi tuần có 2 bài tuyên truyền đưa lên loa truyền thanh vào buổi sáng, buổi chiều và tuyên truyền liên tục.
Đối với các xã, thị trấn trong huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng đề nghị chủ tịch UBND các xã, thị trấn ngay sau hội nghị về thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch, phân công cụ thể cho các thành viên trong ban chỉ đạo và tổ giúp việc. Đồng thời đề nghị cán bộ thông tin của các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn người dân, người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh động vật.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Công đề nghị các địa phương, các hộ chăn nuôi trong huyện thường xuyên áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ dịch bệnh, sử dụng vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng hướng dẫn.