Năm 2022, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hải Dương ước đạt 9,0%; cao thứ 27/63 tỉnh thành trên cả nước và thứ 8/11 vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,4% (đóng góp 0,35 điểm%); Công nghiệp tăng 12,0% (đóng góp 5,78 điểm%); Xây dựng tăng 9,8% (đóng góp 0,51 điểm%); Dịch vụ tăng 7,7% (đóng góp 2,08 điểm%); Thuế sản phẩm tăng 3,1% (đóng góp 0,28 điểm%).
Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Hải Dương Phạm Bá Dũng thông báo kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh năm 2022. |
Quy mô nền kinh tế năm 2022 (theo giá hiện hành) ước đạt 169.179 tỷ đồng, đứng thứ 11/63 toàn quốc; GRDP bình quân đầu người ước tính đạt 86,9 triệu đồng, tương đương 3.746 USD.
Cơ cấu theo ngành kinh tế chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm dần do đặc thù có tăng trưởng thấp, vì hạn chế về khả năng sinh trưởng cây trồng, vật nuôi và quỹ đất giảm. Tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng khá nhanh do vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao. Tỷ trọng các ngành dịch vụ giảm nhanh trong 2 năm qua do ảnh hưởng dịch bệnh, năm 2022 dù các ngành dịch vụ đã hồi phục nhưng tỷ trọng vẫn tiếp tục giảm nhẹ.
Tăng trưởng các quý có xu hướng giảm dần. Quý I có tăng trưởng cao nhất (+14,1%) do sự phục hồi mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp (+23,5%) trong bối cảnh kinh tế toàn cầu cơ bản đã mở cửa trở lại sau dịch; các ngành dịch vụ hoạt động sôi động trở lại sau thời gian dài chịu tác động dịch bệnh. Đồng thời, do thời điểm cùng kỳ (quý I/2021) Hải Dương chịu tác động nặng nề dịch bệnh. Tăng trưởng quý II (+8,6%) và quý III (+9,1%) tuy ổn định nhưng đã dần dần chậm lại, do các tác động từ kinh tế thế giới. Trong quý IV, hoạt động sản xuất công nghiệp chịu tác động khá mạnh khi tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều xấu đi, khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu đã hiện hữu.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2022 ước đạt 19.310 tỷ đồng; bằng 91,6% so với cùng kỳ, trong đó: Thu nội địa ước đạt 16.007 tỷ đồng, bằng 87,0% so với thực hiện năm trước; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 3.250 tỷ đồng, bằng 122,9% (+606 tỷ đồng) so với thực hiện năm trước.
Giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá hiện hành ước đạt 32.106 tỷ đồng; theo giá so sánh ước đạt 20.684 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng kinh tế (GRDP theo giá 2010) năm 2022 của tỉnh Hải Dương ước đạt 9%, đứng thứ 27/63 cả nước và thứ 8/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng. |
Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh năm 2022 ước đạt 52.114 tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm trước; trong đó, vốn nhà nước tăng 16,9%; vốn ngoài nhà nước tăng 21,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 26,5%. Tỷ lệ vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh so với GRDP ước đạt 30,8% (KH: 35%).
Theo Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Hải Dương Phạm Bá Dũng, tính đến 20/12/2022, thu hút đầu tư nước ngoài trên địa tỉnh ước đạt 370,6 triệu USD, tăng 11,8% so với năm trước. Trong đó, cấp mới 17 dự án với tổng vốn đăng ký 59,4 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn 33 lượt dự án với số vốn tăng thêm 306,0 triệu USD. Thu hút đầu tư nước ngoài của Hải Dương đứng thứ 17/63 tỉnh thành cả nước và thứ 7/11 vùng Đồng bằng sông Hồng.
Lũy kế các dự án còn hiệu lực có tổng số vốn đăng ký 9.148 triệu USD; đứng thứ 15/63 trên cả nước và thứ 5/11 vùng Đồng bằng sông Hồng.
Hải Dương trong năm qua cũng quyết định chủ trương đầu tư mới cho 15 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký 400 tỷ đồng (bằng 8,8% so với năm trước); điều chỉnh 65 lượt dự án, tổng vốn tăng thêm 500 tỷ đồng; thông báo chấm dứt hoạt động 3 dự án.
Năm 2022, sản lượng một số cây ăn quả chính trên địa bàn tỉnh Hải Dương đều tăng hơn so với năm trước như vải đạt 61.000 tấn, tăng 11,1%; nhãn đạt 13.532 tấn, tăng 8,8%; xoài đạt 3.380 tấn, tăng 1,5%; chuối ước đạt 70.433 tấn, tăng 2,3%; ổi đạt 78.307 tấn, tăng 5,1%; na ước đạt 15.528 tấn, tăng 0,2%; cam ước đạt 9.366 tấn, tăng 0,1%, bưởi ước đạt 12.190 tấn, tăng 6,6%.
Phương thức nuôi trồng thủy sản lồng bè được duy trì và phát triển khá. Tổng sản lượng cá lồng năm 2022 sơ bộ đạt 21.913 tấn chiếm 23,0% tổng sản lượng cá nuôi trồng, tăng 15,3% (+2.907 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Cá lồng phát triển tốt là do thời tiết trong năm tương đối thuận lợi, lưu lượng dòng chảy ổn định tạo, ít phát sinh dịch bệnh; thị trường tiêu thụ khởi sắc sau giai đoạn dịch bệnh.
Tính chung cả năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp bằng 111,3% so với cùng kỳ. Dù sản xuất công nghiệp năm nay tăng thấp hơn năm trước nhưng nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lại có mức tăng cao hơn đáng kể cho thấy các ngành công nghiệp cơ bản đã phục hồi tốt sau dịch bệnh.
Bên cạnh đó, số học sinh giỏi quốc gia có tiến bộ vượt bậc với 82/101 học sinh dự thi đạt giải (2 giải Nhất, 27 giải Nhì, 20 giải Ba và 33 giải Khuyến khích). Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế tiếp tục được cải thiện…