Cục Thống kê tỉnh Hải Dương cho biết, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 10/2022 cơ bản ổn định. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là điểm sáng, là đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng công nghiệp của toàn tỉnh.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 ước tính bằng 108,2% so với cùng kỳ năm trước (bằng 100,7% so với tháng trước); trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% (tăng 0,4% so với tháng trước); sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng... giảm 2,5% (tăng 4,0% so với tháng trước).
Một số sản phẩm có lượng sản xuất tăng cao như: Thức ăn chăn nuôi +12,5%; sản phẩm bằng plastic +18,7%; sắt thép các loại +3,1%; đinh, vít, đai ốc, neo, móc... bằng kim loại +46,8%; mạch điện tử tích hợp +10,6%; máy kết hợp từ hai chức năng trở lên: in, quét, copy, fax... +6,8%; xe có động cơ chở được từ 5 người trở lên +203,5%.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh Hải Dương bằng 112,8% so với cùng kỳ năm trước. Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng toàn ngành với mức tăng 13,7%. Trong đó, ngành sản xuất linh kiện điện tử bằng 119,8% so với cùng kỳ, sản phẩm mạch điện tử tích hợp bằng 111,2%; máy kết hợp từ 2 chức năng trở lên như in, fax, coppy... bằng 126,4%.
Nguyên nhân là do thị trường trong nước và thế giới đang có sự hồi phục, nhu cầu về linh kiện điện tử tăng. Ngoài ra, các thị trường Trung Quốc, Đài Loan... tiếp tục thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 nên nhiều đơn hàng sản xuất đã được chuyển dịch sang Việt Nam.
Ngành sản xuất xe có động cơ, chỉ số sản xuất 10 tháng đầu năm bằng 113,9% so với cùng kỳ, trong đó sản phẩm xe có động cơ chở được từ 5 người trở lên bằng 183,0%, bộ phận thiết bị điện khác dùng cho xe có động cơ bằng 115,4%.
Năm 2022, nhu cầu về phương tiện đi lại như xe ô tô đang có sự hồi phục rõ nét so với giai đoạn 2020-2021. Trong 6 tháng đầu năm, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất trong nước, cộng với hỗ trợ tín dụng từ các ngân hàng đã thúc đẩy tăng trưởng cho ngành sản xuất xe có động cơ và các bộ phận phụ trợ. Ngoài ra, Ford Việt Nam đang sản xuất, lắp ráp dòng xe Ford Ranger 2023 và Ford Territory 2023 tại Hải Dương nên sản lượng ô tô dự kiến vẫn sẽ tăng cao trong các tháng tiếp theo.
10 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh Hải Dương bằng 112,8% so với cùng kỳ năm trước |
Bên cạnh đó, một số ngành như may mặc, giày dép, sản xuất đồ chơi, sản xuất thiết bị điện, sản xuất máy móc thiết bị tốc độ tăng trưởng đã chậm lại. Nguyên nhân là do những mặt hàng này chủ yếu là xuất khẩu đến các thị trường lớn như Mỹ và Châu Âu đang chững lại; áp lực lạm phát, khủng hoảng năng lượng đã buộc người dân thắt chặt chi tiêu. Một số đơn đặt hàng bị huỷ hoặc hoãn gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong ngành.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm
Về hoạt động đầu tư, theo Cục Thống kê tỉnh Hải Dương, với mục tiêu hoàn thành kế hoạch thực hiện vốn đầu tư công năm 2022, ngày 30/9/2022, UBND tỉnh Hải Dương ban hành quyết định thành lập Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước trong những tháng cuối năm 2022.
Ước tháng 10/2022, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 651 tỷ đồng, tăng 45,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 330 tỷ đồng, chiếm 50,6%, tăng 53,8%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 278 tỷ đồng, chiếm 42,7%, tăng 27,4%; cấp xã ước đạt 43 tỷ đồng, chiếm 6,7%, tăng 165,3%.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 4.068 tỷ đồng, đạt 75,3% kế hoạch năm, tăng 66,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 1.873 tỷ đồng, đạt 77,2% kế hoạch năm, tăng 88,3%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 1.868 tỷ đồng, đạt 73,6% kế hoạch năm, tăng 45,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 327 tỷ đồng, đạt 74,4% kế hoạch năm, tăng 90,5%.
Ngoài ra, một số công trình lớn cũng mới khởi công trong tháng trên địa bàn tỉnh như Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt tại nút giao giữa đường dẫn cầu Hàn, đường Ngô Quyền và Quốc lộ 5 (2020-2022 với tổng mức đầu tư 427,4 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 10/2022 là 19,2 tỷ đồng, công trình đã hoàn thành và đưa vào bàn giao sử dụng.
Dự án Đường vào Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đoạn từ Quốc lộ 37 vào đền Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh (2019-2025 với tổng mức đầu tư là 783,6 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 10/2022 đạt 5,0 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại đạt 315,8 tỷ đồng, ước đạt 40,3% tổng mức đầu tư.
Dự án Đường vào Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đoạn từ Quốc lộ 37 vào đền Kiếp Bạc (thành phố Chí Linh) đang được đẩy nhanh tiến độ |
Bên cạnh đó là xây dựng đường Vành đai I - đoạn từ xã Liên Hồng đến xã Ngọc Sơn (2021-2023 với tổng mức đầu tư 885,6 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 10/2022 là 13,0 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 204,0 tỷ đồng, ước đạt 23,0% tổng mức đầu tư.
Dự án đầu tư xây dựng đường trục Đông - Tây tỉnh Hải Dương với tổng mức đầu tư 1.499,7 tỷ đồng, ước thực hiện trong tháng 10/2022 đạt 28,1 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 134,3 tỷ đồng, ước đạt 9,0% tổng mức đầu tư.
Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - thành phố Hải Dương, (2020-2025 với tổng mức đầu tư là 1.774,6 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 10/2022 đạt 18,3 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công đến thời điểm hiện tại ước đạt 405,2 tỷ đồng, ước đạt 22,8% tổng mức đầu tư...