Ảnh minh họa |
Theo VASEP, kim ngạch xuất khẩu mực, bạch tuộc sụt giảm do tác động của lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu làm giảm nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu mực, bạch tuộc tiếp tục phải đối mặt với bất lợi về giá thành nguyên liệu khai thác, thời tiết không thuận lợi cho hoạt động đánh bắt.
Hiện tại, thẻ vàng IUU chưa gỡ được, sản lượng đánh bắt không ổn định dẫn đến giá nguyên liệu tăng cao, chi phí nguyên vật liệu đã tăng trong thời gian vừa qua nhưng chưa được điều chỉnh kịp trong giai đoạn hiện nay làm tổng giá thành sản xuất tăng. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
VASEP dự báo, quý 3 hoạt động xuất khẩu sẽ tốt hơn so với 2 quý trước. Nhưng nguồn nguyên liệu sẽ khó khăn vì sản lượng khai thác tại các vùng biển trên thế giới đang giảm, cùng với đó các lệnh cấm khai thác tại các vùng biển bắt đầu có hiệu lực, và mùa mưa bão tới sẽ làm giảm nguồn cung.
Trong cơ cấu các sản phẩm, 5 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu mực chiếm 57%, bạch tuộc chiếm 43%. Các sản phẩm mực, bạch tuộc của Việt Nam được xuất khẩu sang 65 thị trường. Top 10 thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc và Hong Kong, Italy, Mỹ, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Tây Ban Nha và Pháp.
5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu mực, bạch tuộc đồng loạt giảm 2 con số (ngoại trừ Nhật Bản) tại các thị trường chính. Trong khi đó, các thị trường nhỏ hơn như Malaysia, Australia, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines có tín hiệu tích cực hơn, ghi nhận tăng trưởng dương 2 con số từ 15-75%.
Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam với 84 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2023, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 35%. Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam bạch tuộc cắt đông lạnh, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh…
Đối với thị trường Nhật Bản, đây là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc đơn lẻ lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 27%. So với thị trường Hàn Quốc, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Nhật Bản có tín hiệu tích cực hơn khi đạt 64 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022.
Về sản phẩm, 5 tháng đầu năm 2023, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu lớn nhất đối với sản phẩm bạch tuộc chế biến (mã HS 16) và sản phẩm mực tươi sống/tươi/đông lạnh (mã HS 03) với trị giá đạt 13 triệu USD và 29 triệu USD, tương ứng chiếm lần lượt 61% và 40% tổng xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam ra thế giới.
Theo VASEP, sản lượng khai thác mực, bạch tuộc nội địa của Nhật ngày càng giảm. Trong khi đó, nhu cầu về sản phẩm mực, bạch tuộc ăn liền của nước này tăng do lối sống hiện đại, bận rộn, ít thời gian nấu nướng của người tiêu dùng. Điều này được cho rằng là yếu tố tác động tích cực tới xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Nhật Bản.