Hàn Quốc sẽ tăng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ với các công ty IT Việt Nam

Hàn Quốc sẽ tăng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ với các công ty IT Việt Nam

HÀN QUỐC Việt nAM
12:19 - 10/08/2022
Nhằm mục tiêu nâng tầm quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc lên đối tác chiến lược, trong tương lai Hàn Quốc sẽ đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, đồng thời mở rộng hợp tác với các công ty sở tại về lĩnh vực IT.

Sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1992-2022) quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc phát triển rực rỡ trên nhiều lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa. Hiện Hàn Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại 59/63 tỉnh thành của Việt Nam.

Trong khi Việt Nam ưu tiên hợp tác thu hút các dự án đầu tư nước ngoài về công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, Hàn Quốc cũng đang đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này.

Nhân dịp hai nước vừa kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao cũng như hướng tới nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong năm 2022, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-wan đã có những chia sẻ với Mekong ASEAN về các lĩnh vực thương mại và hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Mekong ASEAN: Ngài Đại sứ có thể đánh giá những thành tựu lớn đạt được trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc trong thời gian qua và tiềm năng hợp tác song phương trong thời gian tới?

Đại sứ Park Noh-wan: Quan hệ giữa Hàn Quốc và Việt Nam đã phát triển nhanh chóng và sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực trong 30 năm qua, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992. Với thành quả chưa từng có trong tiền lệ, trong năm nay, hai nước dự kiến nâng tầm quan hệ lên Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện – mức cao nhất trong quan hệ song phương.

Minh chứng rõ ràng cho thấy sự hợp tác sâu sắc giữa hai nước chính là kim ngạch thương mại từ mức đạt 500 triệu USD vào năm 1992 đã cán mốc 80,69 tỷ USD (tăng gấp 161 lần) vào năm 2021.

Hàn Quốc cũng là nhà đầu tư lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Hai nước đã nuôi dưỡng tình bạn và mối quan hệ tin cậy lẫn nhau, hỗ trợ nhau trong lĩnh vực an ninh kinh tế và y tế, phòng chống dịch ngay cả trong khủng hoảng toàn cầu mang tên đại dịch Covid-19.

Hai nước đang cùng nỗ lực nhằm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại 100 tỉ USD vào năm 2023, 150 tỉ USD vào năm 2030. Hơn nữa, với nền tảng nâng tầm quan hệ lên Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thông qua việc tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn trong lĩnh vực chính trị, an ninh, văn hóa, hai nước sẽ trở thành đối tác quan trọng, không thể tách rời và tin tưởng lẫn nhau.

Mekong ASEAN: Tiềm năng phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn còn rất lớn, Hàn Quốc đang là một trong những nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. Theo ông, trong thời gian tới hai nước cần có động thái gì để tiếp tục mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư?

Đại sứ Park Noh-wan: Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 và là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam, hai nước cũng đang hướng tới mục tiêu cao hơn, mở rộng kim ngạch thương mại lên mức 100 tỉ USD vào năm 2023. Thương mại và đầu tư của hai nước đang gia tăng nhanh chóng sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

Thông qua đó, doanh nghiệp hai nước sẽ cùng tham gia vào chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu và cùng phát triển thịnh vượng. Để có được điều này, Chính phủ hai nước cần hợp tác mật thiết, triển khai hỗ trợ về mặt chính sách, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế công tư trên nhiều lĩnh vực.

Mekong ASEAN: Theo đánh giá của Đại sứ, hai nước cần nỗ lực như thế nào để đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại 100 tỉ USD vào năm 2023 và 150 tỉ USD vào năm 2030?

Đại sứ Park Noh-wan: Chúng ta cần chú ý đến việc kim ngạch thương mại giữa hai nước gia tăng đáng kể sau Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc – Asean và Hàn Quốc – Việt Nam. Quy mô giao dịch thương mại được mở rộng trung bình 22,9%/1 năm từ năm 2007 đến năm 2014 và trung bình 12,9% từ năm 2015 đến năm 2020.

Do đó, Chính phủ hai nước sẽ gia tăng mức độ ứng dụng hiệp định thương mại như Hàn Quốc – Asean, Hàn Quốc – Việt Nam, RCEP… và mở rộng quy mô giao dịch thương mại bằng nỗ lực giải quyết rào cản thương mại phi thuế quan.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Hàn Quốc Park Noh-wan năm 2021.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Hàn Quốc Park Noh-wan năm 2021.

Hai nước cũng cần tăng cường hợp tác trong ngành công nghiệp triển vọng trong tương lai và nuôi dưỡng những lĩnh vực trọng điểm của Chính phủ. Hai nước có thể gia tăng quy mô giao dịch thương mại bằng cách cùng triển khai thực hiện các dự án với nền tảng hợp tác giữa hai Chính phủ như các dự án ICT và công nghiệp lần thứ 4 nhằm ứng phó với chuyển đổi số, dự án xanh như năng lượng tái tạo mới nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng,…

Mekong ASEAN: Ngoài những lĩnh vực mà Hàn Quốc đang đầu tư vào Việt Nam như chế tạo sản xuất, công nghệ cao, xây dựng, theo Đại sứ trong thời gian tới các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể mở rộng đầu tư vào lĩnh vực nào khác?

Đại sứ Park Noh-wan: Tính đến thời điểm hiện tại, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào ngành chế tạo, sản xuất, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế, công nghiệp của Việt Nam.

Dựa trên nền tảng phát triển kinh tế đáng chú ý, cho đến nay Việt Nam đang phát triển nhanh chóng ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và ngành công nghiệp lưu thông, phân phối.

Mekong ASEAN: Trong vòng 3 năm qua, Hàn Quốc là một trong ba nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Đại sứ có cho rằng đầu tư vào Việt Nam của Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới hay không?

Đại sứ Park Noh-wan: Quy mô đầu tư vào Việt Nam của Hàn Quốc thời gian qua có phần chững lại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, và sau khi đại dịch lắng xuống, trong 6 tháng đầu năm 2022, đã hồi phục ngay đến 97% so với cùng kỳ năm 2019 (thời kỳ trước Covid-19).

Gần đây, mặc dù điều kiện toàn cầu không thuận lợi, giá cung ứng nguyên vật liệu tăng do chiến tranh giữa Nga và Ukraine, nhưng xét về khía cạnh môi trường đầu tư nước ngoài, Việt Nam vẫn có đủ năng lực cạnh tranh do sở hữu nhiều mặt xuất sắc so với các quốc gia lân cận.

Mekong ASEAN: Đầu năm nay, Hiệp định RCEP đã có hiệu lực cả ở Hàn Quốc và Việt Nam, ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng của RCEP tới hợp tác kinh tế giữa hai nước?

Đại sứ Park Noh-wan: RCEP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với sự tham gia của Hàn Quốc, các quốc gia ASEAN bao gồm Việt Nam và 5 quốc gia khác. Tôi cho rằng RCEP sẽ phát huy sức ảnh hưởng lớn bởi đây là một cộng đồng kinh tế rất lớn. Đặc biệt, tôi cho rằng việc thị trường sản phẩm, dịch vụ được mở rộng hơn so với FTA Hàn Quốc – ASEAN và môi trường đầu tư được cải thiện là những tín hiệu tích cực.

Ngoài ra, tôi mong rằng RCEP sẽ đóng góp cho sự nâng cao phát triển chuỗi giá trị trong khu vực Châu Á do áp dụng quy định nguồn gốc xuất xứ tích lũy trên toàn khu vực.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị đe dọa bởi đại dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, việc áp dụng quy định về nguồn gốc xuất xứ sẽ nâng cao tính tiện lợi cho thương mại và đầu tư trong khu vực, có ích cho việc nâng cao tính cạnh tranh xuất khẩu cho cả Việt Nam và Hàn Quốc. Quan hệ thương mại giữa hai nước sẽ được tăng cường, mở rộng tự nhiên hơn nữa trong RCEP.

Mekong ASEAN: Về lĩnh vực du lịch, Đại sứ có thể chia sẻ về sự phục hồi du lịch của Hàn Quốc sau đại dịch, cũng như Việt Nam cần có phương án nào để phục hồi du lịch và thu hút du khách Hàn Quốc trở lại?

Đại sứ Park Noh-wan: Sau khi nối lại hoạt động du lịch sang Hàn Quốc, mặc dù có khó khăn như giá vé máy bay gia tăng nhanh, bắt buộc nộp kết quả xét nghiệm PCR, tuy nhiên số khách Đông Nam Á trong đó có Việt Nam sang thăm Hàn Quốc tính đến quý 2 năm nay đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, số khách Hàn Quốc sang Việt Nam du lịch cũng đang gia tăng sau khi Việt Nam nối lại hoạt động du lịch vào tháng 3 năm nay. Đặc biệt, ngày càng có nhiều du khách Hàn Quốc đến Việt Nam do có thể nhập cảnh không cần thị thực trong vòng 15 ngày và được miễn nộp kết quả xét nghiệm PCR.

Trong 7 tháng năm 2022, Hàn Quốc xếp thứ nhất trong số các thị trường gửi khách tới Việt Nam với hơn 196.000 lượt, tăng 903,7% so với cùng kỳ.

Nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm nay, hai nước dự kiến sẽ tổ chức nhiều lễ hội đường phố, sự kiện biểu diễn như Lễ hội đèn lồng Hàn Việt vào tháng 9, Lễ hội đường phố văn hóa Hàn Quốc, Triển lãm du lịch văn hóa Hàn Việt, Lễ hội văn hóa ẩm thực Hàn Việt vào vào tháng 11… Trong 6 tháng cuối năm nay sẽ đầy ắp không khí lễ hội, do đó sẽ có nhiều người Hàn Quốc sang thăm Việt Nam.

Ngoài ra, Hàn Quốc đang hỗ trợ để ngành du lịch Việt Nam có thể phát triển hơn nữa thông qua các dự án như Dự án phát triển đô thị thông minh du lịch thành phố Huế (KOICA/ từ 2021~2025, hỗ trợ quy mô 13.000.000$). Tôi mong rằng với những nỗ lực như thế này của hai Chính phủ, nhiều du khách Hàn Quốc và nước ngoài sẽ được tận hưởng những di sản văn hóa tự nhiên tươi đẹp của Việt Nam.

Mekong ASEAN: Trên quy mô tiểu vùng, Đại sứ có thể cho biết thêm Hàn Quốc đang hợp tác như thế nào với các quốc gia trong Tiểu vùng sông Mekong trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội mà Việt Nam là một thành viên?

Đại sứ Park Noh-wan: Hợp tác Hàn Quốc - Mekong liên tục được mở rộng và phát triển trong vòng 10 năm qua kể từ khi khởi đầu vào năm 2011. Hội nghị cấp cao Hàn Quốc – Mekong lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2019, và được nâng tầm lên thành cấp thượng đỉnh.

Các quốc gia Mekong đã trở thành đối tác hợp tác phát triển trọng tâm, chiếm tỷ trọng gần 20% trong tổng quy mô ODA song phương của Hàn Quốc. Quỹ hợp tác Hàn Quốc – Mekong cũng được gia tăng hàng năm. Từ năm 2022, Hàn Quốc đã hỗ trợ 5 triệu USD mỗi năm cho sự phát triển của khu vực Mekong.

Hàn Quốc đã tích cực tham gia vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực Mekong như đường bộ, đường sắt và góp phần tăng cường kết nối và giải quyết các vấn đề về khoảng cách phát triển của khu vực Mekong.

Hàn Quốc cũng đã tích cực triển khai các dự án hợp tác phát triển nguồn nhân lực và các dự án phát triển bền vững của khu vực Mekong như quản lý nguồn nước, bảo toàn rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục. Chính phủ Hàn Quốc đang sử dụng Quỹ hợp tác Hàn Quốc – Mekong, triển khai Dự án tăng cường năng lực sử dụng dữ liệu tài nguyên nước khu vực Mekong (2019 - 2022, Hàn Quốc và Hoa Kỳ mỗi nước hỗ trợ 500.000 USD).

Hơn nữa, Hàn Quốc cũng đang tổ chức Diễn đàn kinh doanh Hàn Quốc – Mekong hàng năm kể từ năm 2013 tại khu vực Mekong. Thông qua diễn đàn này, cung cấp cơ hội tư vấn về đầu tư thương mại 1:1 giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc – Mekong.

Ngoài ra, trong năm nay, hai bên kỷ niệm 10 năm hợp tác, chọn 2022 là năm giao lưu Hàn Quốc – Mekong , tổ chức các sự kiện văn hóa, giao lưu đa dạng như Workshop Hàn Quốc – Mekong, Triển lãm luận văn học thuật Hàn Quốc – Mekong.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn Đại sứ!

Đọc tiếp