Hàn Quốc tuyên bố đình chỉ một phần thỏa thuận liên Triều năm 2018

Vệ tinh Triều Tiên
16:02 - 22/11/2023
Triều Tiên phóng "Chollima-1" mang theo vệ tinh trinh sát "Malligyong-1" vào quỹ đạo ngày 21/11/2023. Ảnh: KCNA
Triều Tiên phóng "Chollima-1" mang theo vệ tinh trinh sát "Malligyong-1" vào quỹ đạo ngày 21/11/2023. Ảnh: KCNA
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 22/11, Hàn Quốc tuyên bố sẽ đình chỉ một phần thỏa thuận liên Triều và tái khởi động hoạt động giám sát trên không đối với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng thông báo phóng thành công vệ tinh do thám quân sự vào quỹ đạo.

Hãng tin AP dẫn lời ông Heo Tae-keun, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc phụ trách vấn đề chính sách, trong một trao đổi ngắn trên truyền hình, nói rằng vụ phóng vệ tinh mới nhất của Triều Tiên không chỉ vi phạm rõ ràng các nghị quyết của Liên Hợp Quốc mà còn là “một hành động khiêu khích nghiêm trọng đe dọa an ninh quốc gia của chúng ta”.

Ông Heo Tae-keun khẳng định Hàn Quốc sẽ phản ứng bằng cách đình chỉ một phần thỏa thuận giảm căng thẳng liên Triều được ký kết năm 2018 và khôi phục lại các hoạt động giám sát trên không ở biên giới. Quyết định này đã được thông qua tại cuộc họp của Hội đồng Nội các Hàn Quốc trong cùng ngày 22/11.

Thông báo trên từ chính phủ Hàn Quốc được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên tuyên bố thành công đưa một vệ tinh trinh sát vào quỹ đạo trong nỗ lực phóng thứ 3 trong năm 2023.

Theo hãng thông tấn nhà nước KCNA trích dẫn Cơ quan Công nghệ Hàng không Vũ trụ Quốc gia Triều Tiên, tên lửa "Chollima-1" mang theo vệ tinh trinh sát "Malligyong-1" đã thành công phóng vào quỹ đạo từ Bãi phóng vệ tinh Sohae ở huyện Cholsan, tỉnh Bắc Phyongan. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đích thân giám sát vụ phóng tại hiện trường và chúc mừng các nhà khoa học cũng như những người khác có liên quan.

Nhận định về thành công, cơ quan vũ trụ Triều Tiên khẳng định vụ phóng vệ tinh là quyền hợp pháp của nước này trong việc tăng cường khả năng tự vệ cũng như giúp cải thiện khả năng sẵn sàng trước giao tranh của quốc gia trong bối cảnh khu vực ghi nhận “các động thái quân sự nguy hiểm”.

Động thái này của Triều Tiên vấp phải sự lên án từ Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson ngày 22/11 cho biết vụ phóng vệ tinh liên quan đến các công nghệ được sử dụng trong chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên. Do đó, nó “làm gia tăng căng thẳng và có nguy cơ làm mất ổn định tình hình an ninh trong và ngoài khu vực”.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida gọi vụ phóng vệ tinh là “mối đe dọa nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân”. Ông khẳng định Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối Triều Tiên.

Được ký kết trong khoảng thời gian hòa giải ngắn ngủi năm 2018, thỏa thuận giảm căng thẳng đã giúp thiết lập vùng đệm và vùng cấm bay dọc biên giới được củng cố nghiêm ngặt của Hàn Quốc và Triều Tiên. Theo thỏa thuận, hai miền Triều Tiên được yêu cầu dừng các hoạt động do thám trên không ở tuyến đầu của nhau cũng như các cuộc tập trận bắn đạn thật, đồng thời dỡ bỏ một số đồn gác và mìn ở khu vực biên giới.

Tuy nhiên, quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên tới năm 2019 tiếp tục căng thẳng trở lại sau khi quan hệ ngoại giao hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên sụp đổ. Kể từ đó, Bình Nhưỡng đã tăng cường các vụ thử tên lửa để hiện đại hóa kho vũ khí của mình, khiến Mỹ và Hàn Quốc mở rộng các cuộc tập trận phòng thủ như một động thái phản ứng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.