Hình ảnh giả mạo vụ nổ Lầu Năm Góc khiến chứng khoán Mỹ rớt giá

AI. MỸ
12:18 - 23/05/2023
Bức ảnh giả mạo về vụ nổ gần Lầu Năm Góc của Mỹ. Ảnh: Theo Bloomberg.
Bức ảnh giả mạo về vụ nổ gần Lầu Năm Góc của Mỹ. Ảnh: Theo Bloomberg.
0:00 / 0:00
0:00
Bức ảnh về vụ nổ ở Lầu Năm Góc (Mỹ) được lan truyền trên Twitter và Facebook khiến nhiều người xôn xao thực chất chỉ là một sản phẩm được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo Bloomberg, hơn 10h sáng 22/5 (giờ New York) xuất hiện hình ảnh giả mạo một vụ nổ xảy ra gần Lầu Năm Góc của Mỹ kèm theo chú thích: "Vụ nổ lớn gần Lầu Năm Góc ở Washington DC" được đăng tải trên mạng xã hội Twitter và Facebook. Ngay sau đó, bức ảnh này đã được lan truyền nhanh chóng, khiến người dân Mỹ tin rằng đây là thông tin thực và vô cùng hoang mang.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã bác bỏ thông tin này. "Chúng tôi xác nhận đây là thông tin sai sự thật, Lầu Năm Góc không bị tấn công ngày hôm nay", AFP dẫn tuyên bố của phát ngôn viên Lầu Năm Góc.

Ngoài ra, Sở Cảnh sát Arlington, bang Virginia (Mỹ) cũng xác nhận rằng, không có vụ nổ hay sự cố nào xảy ra bên trong hoặc gần Lầu Năm Góc.

Chuyên gia kỹ thuật số Nick Waters cho rằng bức ảnh này được tạo ra bởi AI bởi nó có nhiều điểm bất thường. "Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ nhận ra nhiều điểm không thích hợp về cấu trúc của tòa nhà và hàng rào. Địa điểm xảy ra vụ nổ cũng không tồn tại, không thể tìm thấy tòa nhà này thông qua các ứng dụng vệ tinh quan sát", ông Waters nói thêm.

Đồng quan điểm, Giáo sư Hany Farid của Đại học California (Mỹ) cho biết: "Hình ảnh có dấu hiệu điển hình của việc được tạo bởi AI với lỗi cấu trúc trên tòa nhà và hàng rào, chúng khó nhìn ra nếu không xem xét kỹ".

Hình ảnh giả mạo vụ cháy nổ này thậm chí còn xuất hiện trên một số trang tin tức lớn như hãng thông tấn RT của Nga và kênh truyền hình Republic TV của Ấn Độ. Tuy nhiên, sau khi được xác thực, cả kênh Republic TV và RT đều đã xóa bài đăng.

Sau khi hình ảnh vụ nổ này gây xôn xao trên mạng, thị trường chứng khoán Mỹ đã bị tác động trong thời gian ngắn. Chỉ số Dow Jones giảm 80 điểm trong 4 phút nhưng sau đó phục hồi trở lại phiên 22/5. Chỉ số S&P 500 giảm 0,3% xuống mức thấp nhất trong phiên. Đến khi có thông tin đính chính rằng đây là bức ảnh giả mạo, chỉ số nhanh chóng tăng trở lại.

Mặc dù nguồn gốc của hình ảnh vẫn chưa được xác định rõ, nhưng nhiều suy đoán cho rằng nó được tạo ra bởi AI và điều này đã làm gia tăng thêm mối lo ngại về các công nghệ tiên tiến sẽ dễ dàng tạo ra nhiều hình ảnh và nội dung giả mạo, đẩy nhanh quá trình lan truyền thông tin sai lệch.

Trên Facebook, tài khoản đầu tiên đăng bức ảnh giả mạo này đã bị gắn nhãn "thông tin sai lệch" vào bài đăng gốc. Cùng với đó, Facebook đã có động thái chặn quyền truy cập vào bài đăng và nói rằng hình ảnh đã được "kiểm tra bởi những người kiểm tra thực tế độc lập".

Hiện Twitter và Meta, công ty sở hữu Facebook, đã không trả lời yêu cầu bình luận. Hiện nay, có rất nhiều công cụ trí tuệ nhân tạo cho phép tạo ảnh chỉ bằng một đoạn mô tả văn bản ngắn như Dall-E, Midjourney và Stable Diffusion. Điều này đã làm dấy lên lo ngại từ việc dễ dàng tạo ảnh giả bằng AI có thể gây ra tác hại xã hội nghiêm trọng, góp phần phát tán thông tin sai lệch.

"Khi trình tạo ảnh AI trở nên phổ biến và tinh vi, chúng có thể tạo ảnh như thật nhưng sai sự thật. Không khó để hình dung một ngày chúng có thể thao túng, đưa thông tin không chính xác về một sự kiện", chuyên trang TechCrunch bình luận.

Hồi tháng 3, xuất hiện những hình ảnh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị bắt, hay Giáo hoàng Francis mặc áo khoác trắng thời trang được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội khi nhiều người xem tin là thật. Tuy nhiên, ngay sau đó chúng bị phát hiện là sản phẩm do công cụ Midjourney của OpenAI tạo ra.

Đọc tiếp

CEO Apple Tim Cook.

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam

Ngày 15/4, Apple xác nhận CEO Tim Cook có mặt tại Việt Nam nhằm tăng các khoản chi cho các nhà cung cấp Việt Nam, cũng như hỗ trợ cung cấp năng lượng sạch, nước sạch cho các trường học.