Hòa Phát giảm 35.000 tỷ đồng hàng tồn kho và nợ vay trong 6 tháng

HÒA PHÁT THÉP
13:55 - 31/01/2023
Hòa Phát thắt chặt quản trị hàng tồn kho để hạ dư nợ vay vốn lưu động.
Hòa Phát thắt chặt quản trị hàng tồn kho để hạ dư nợ vay vốn lưu động.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng tài sản của Hòa Phát tại cuối năm 2022 là hơn 170.000 tỷ đồng, giảm 37.000 tỷ đồng so với thời điểm kết thúc quý 2/2022. Phần giảm chủ yếu là hàng tồn kho và tiền gửi.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 của Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) cho thấy tổng tài sản tại ngày cuối năm 2022 là 170.336 tỷ đồng. Tài sản cố định chiếm tỷ trọng 41,6%, tương ứng với giá trị 70.833 tỷ đồng và là khoản mục lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Hòa Phát.

So với ngày đầu năm, tài sản của Hòa Phát giảm 7.900 tỷ đồng; còn so với con số tại báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2022 thì mức giảm lên tới gần 37.200 tỷ đồng. Khoản giảm mạnh nhất trong 6 tháng cuối năm là tiền mặt và tiền gửi, từ hơn 44.000 tỷ đồng xuống còn hơn 34.000 tỷ đồng. Hàng tồn kho cũng giảm mạnh từ 58.000 tỷ đồng xuống còn hơn 35.000 tỷ đồng. Đây là mức thấp nhất trong 2 năm trở lại đây.

Hàng tồn kho của Hòa Phát đi xuống trong bối cảnh nhu cầu trên toàn ngành thép suy yếu. Riêng tháng 12 vừa qua, Hòa Phát tiêu thụ 558.000 tấn thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC), giảm 18,2% so với cùng kỳ 2021. Lũy kế cả năm 2022, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long tiêu thụ 7,2 triệu tấn thép các loại, giảm 7% so với năm trước.

Trong bối cảnh cung vượt quá cầu, Tập đoàn Hòa phát đã phải ra quyết định khó khăn là tạm thời đóng cửa bớt 5/7 lò cao luyện thép vào tháng 11 và tháng 12. Mỗi lần khởi động lại một lò cao mất 5 – 7 ngày và tiêu tốn khoảng 30 - 40 tỷ đồng nên doanh nghiệp sản xuất thép coi đóng lò cao là biện pháp cuối cùng khi không còn khả năng tích trữ tồn kho thành phẩm hoặc cần phải bảo dưỡng, nâng cấp lò.

Hòa Phát lỗ chênh lệch tỷ giá (CLTG) nặng trong 9 tháng đầu năm. Nguồn: HPG

Hòa Phát lỗ chênh lệch tỷ giá (CLTG) nặng trong 9 tháng đầu năm. Nguồn: HPG

Hạ dư nợ vay nước ngoài

Nhu cầu và giá thép giảm cũng ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của Hòa Phát. Trong quý 4/2022, công ty lỗ sau thuế gần 2.000 tỷ đồng, vượt qua quý 3/2022 để trở thành khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử 30 năm hoạt động của Hòa Phát. Cả năm 2022, HPG đạt tổng doanh thu 142.771 tỷ đồng, giảm 8.095 tỷ đồng, tương ứng giảm 5% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 8.444 tỷ đồng, giảm 26.077 tỷ đồng, tương ứng giảm 76% so với năm 2021.

Doanh thu quý của Hòa Phát đạt cao nhất vào quý 1/2022 và giảm dần từng quý đến cuối năm. Lợi nhuận sau thuế quý 2 giảm hơn một nửa so với quý 1 và ghi nhận âm liên tiếp trong quý 3 và quý 4. Biên lợi nhuận gộp diễn biến đi xuống với tốc độ nhanh từ 23% trong quý 1 xuống còn âm 3% trong quý 4. Biên lợi nhuận thuần giảm từ 18% xuống còn âm 8%.

Theo Hòa Phát, sự khác biệt lớn trong kết quả kinh doanh các quý đến từ sự thay đổi nhanh chóng của điều kiện thị trường trong năm. Dư âm từ một năm thuận lợi của ngành thép 2021 chỉ kéo dài đến cuối quý 1 cho đến khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra gây ra khủng hoảng giá nhiên liệu và đứt gãy chuỗi cung ứng, kết hợp với suy thoái hậu Covid, cùng lạm phát tăng vọt và hệ quả là chính sách tiền tệ thắt chặt ở mức độ cao dần.

Nguồn: HPG

Nguồn: HPG

Hòa Phát cho biết, bên cạnh những khó khăn đồng thời dồn dập, tập đoàn nhìn nhận năm 2022 như một cơ hội thử thách sức bền và điều chỉnh chính sách quản trị để thích nghi. Doanh nghiệp chủ trương kết hợp thắt chặt quản trị hàng tồn kho để hạ dư nợ vay vốn lưu động xuống đáng kể. Tổng nợ vay cuối năm 2022 đã giảm hơn 12.000 tỷ đồng so với 30/06/2022, xuống còn 58.000 tỷ đồng, chiếm 34% tổng nguồn vốn.

Trong điều kiện tỷ giá biến động quá lớn, đồng thời lãi suất vay USD tăng nhanh hơn so với lãi suất vay VND, trong 6 tháng cuối năm 2022, HPG đã hạ dư nợ vay nước ngoài từ 1,3 tỷ vào 30/06/2022 xuống còn hơn 700 triệu USD vào cuối năm 2022. Tỷ trọng vay USD trong tổng nợ vay theo đó cũng giảm từ 44% xuống còn 29%.

Tin liên quan

Đọc tiếp