Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62%, đóng góp 0,93 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,79%, đóng góp 0,14 điểm phần trăm. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,18%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm. Riêng ngành khai khoáng giảm 3,17%, làm giảm 0,10 điểm phần trăm.
Tính chung cả năm 2023, trong số các ngành trọng điểm cấp II, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa tiếp tục là ngành có mức tăng lớn nhất (tăng 13,2%). Đây là tháng thứ 3 liên tiếp ngành này dẫn đầu mức tăng chỉ số IIP.
Kế đó là ngành sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất và ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị), với mức tăng lần lượt là 9,5% và 8,3%.
Dẫn đầu mức giảm chỉ số IIP trong các ngành công nghiệp trọng điểm là ngành sản xuất phương tiện vận khác khi giảm 10,7%, và là ngành duy nhất ghi nhận mức giảm lên đến 2 con số.
Nếu xét theo các địa phương, so với năm trước, chỉ số IIP năm 2023 tăng ở 50 địa phương và giảm ở 13 địa phương trên cả nước. Trong đó, dẫn đầu các địa phương tiếp tục là Trà Vinh, với mức tăng mạnh 29,1%, cách biệt tới gần 9 điểm phần trăm so với địa phương đứng ở vị trí thứ hai là Bắc Giang (tăng 20,3%).
Kết quả này chủ yếu vẫn nhờ mức tăng trưởng tốt của ngành sản xuất và phân phối điện tại tỉnh Trà Vinh (tăng 40,8%) và là địa phương có mức tăng trưởng cao thứ hai trên cả nước.
Ở chiều ngược lại, đây là tháng thứ 9 tỉnh Quảng Nam ghi nhận mức giảm chỉ số IIP sâu nhất (giảm 25,2%) do mức giảm mạnh của cả ngành chế biến chế tạo (26,8%), ngành sản xuất và phân phối điện (18,7%) và ngành khai khoáng (giảm 7,8%).
So với cùng kỳ năm trước, năm 2023, trong các sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm đường kính tiếp tục có tháng thứ 8 tăng trưởng cao nhất với mức tăng 30,9%, gấp 1,7 lần sản phẩm đứng thứ hai là phân hỗn hợp NPK (tăng 18,6%), chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm chế biến có sử dụng đường những tháng cuối năm tăng cao khi có nhiều dịp lễ, hội và nhất là dịp Giáng sinh và Tết Nguyên đán.
Ngược lại, mức giảm lớn nhất vẫn thuộc về hai sản phẩm là xe máy và ô tô khi giảm lần lượt 12,6% và 12,3%. Do tình hình kinh tế nhiều biến động, người dân thắt chặt chi tiêu nên sức tiêu thụ các sản phẩm này vẫn giảm mạnh so với năm trước.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2023 tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,8% so với năm trước, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 7,1% của năm 2022.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/12/2023 giảm 1,3% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 19,8% so với cùng thời điểm năm trước, mức tăng này ở cùng thời điểm năm trước là 13,9%. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân năm 2023 là 87,5%, cao hơn 9,4 điểm phần trăm so với mức bình quân năm 2022 là 78,1%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/12/2023 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 2,2% so với cùng thời điểm năm trước.