Niềm tin là yếu tố quan trọng nhất khi xây dựng hợp tác xã
Tại Tọa đàm “Phát triển Kinh tế tập thể, Hợp tác xã trong giai đoạn mới” do Báo điện tử VOV tổ chức ngày 6/4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan nhắc về hiện tượng “rau 2 luống lợn 2 chuồng” đã từng diễn ra một thời của nông nghiệp Việt Nam.
Hợp tác xã là thiết chế để huy động sức mạnh, niềm tin của người nông dân. |
“Đây là lời nguyền manh mún, tự phát. Nếu không thể vượt qua lời nguyền đó thì nông nghiệp chỉ có thể dừng lại ở kinh tế nông hộ nhỏ lẻ”, Bộ trưởng NN&PTNT nói.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp đề ra định hướng chuyển từ nông nghiệp đơn giá trị sang đa giá trị. Câu chuyện sản lượng lớn hơn dựa trên quy mô lớn hơn là vấn đề của cả ngành, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các Bộ/ngành, địa phương phải vào cuộc với một tâm thế mạnh mẽ mới thực hiện được.
“Không thể xem hợp tác xã chỉ đơn giản như một mô hình doanh nghiệp, tồn tại hay không cũng được, mà cần xem hợp tác xã như một thiết chế để huy động sức mạnh, niềm tin của người nông dân và cả bộ máy chính trị”, người đứng đầu ngành nông nghiệp chia sẻ.
Trong thiết chế đó, niềm tin là yếu tố quan trọng nhất. “Hai chữ đầu trong hợp tác xã đã nhắc tới cụm từ ‘hợp tác’. Muốn nói đến hàm ý huy động sức mạnh tập thể, đây là văn hóa tạo nên niềm tin. Tinh thần hợp tác trong xã hội sẽ tránh được sự đứt gãy từ các rủi ro thị trường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
"Phương châm của tôi là hợp tác xã hoặc không có gì cả. Với một quy mô hộ kinh tế nhỏ lẻ thì không thể chuyển sang nền kinh tế nông nghiệp, không thể phát triển chuỗi ngành hàng mà vẫn chỉ là bán thô – phân tầng thấp nhất trong chuỗi giá trị”.
Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng, niềm tin chính là vấn đề cần đẩy mạnh truyền thông hơn bất cứ yếu tố nào khác khi xây dựng hợp tác xã. Bởi nếu không hiểu hết cách tiếp cận thì khi thi hành Luật Hợp tác xã chỉ có thể “chữa cháy” một phần chứ khó có thể đạt được sự nhất quán.
Kết luận 70 của Bộ Chính trị cũng đề cập tới việc đưa nội dung hợp tác xã vào dạy trong các trường hệ thống quốc dân, đặc biệt là các trường chính trị.
“Điều đó nói lên Bộ Chính trị đã nhận ra việc phát triển hợp tác xã phải nằm trong nhận thức từ lãnh đạo cấp cao nhất xuống người nông dân. Làm sao để người nông dân hiểu được rằng vào hợp tác xã thì chi phí sẽ giảm đi, có sự hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm và mức thu nhập”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Sẽ quy định các ưu đãi trực tiếp tại Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
Nghị quyết của Trung ương Đảng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; có khoảng 140.000 tổ hợp tác với 2 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên.
Đến năm 2045, thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể, mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức hợp tác xã, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới.
Mặc dù, mô hình hợp tác xã đã đạt được các kết quả tích cực trong thời gian qua, có đơn vị doanh thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng, tuy nhiên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông nhìn nhận, hoạt động của các hợp tác vẫn còn nhiều khó khăn.
Các hạn chế có thể kể đến như quy mô nhỏ, năng lực nội tại còn hạn chế, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, quỹ đất, các chính sách hỗ trợ chưa nhiều. Qua quá trình đánh giá, Bộ KH&ĐT thấy được một số nguyên nhân, trong đó, pháp luật về hợp tác và các nghị định, văn bản hướng dẫn còn chưa phù hợp với thực tiễn.
Cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ hợp tác xã, liên minh hợp tác xã chưa đủ mạnh, đặc biệt về đất đai mặt bằng sản xuất, cơ hội tiếp cận thị trường, khoa học công nghệ, cần tiếp tục nghiên cứu, thúc đẩy. Việc phổ biến giáo dục, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhận thức đầy đủ về hợp tác xã chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
"Nhiều người cho rằng hợp tác xã phải hoạt động như một doanh nghiệp, phải có doanh thu lợi nhuận càng cao càng tốt là không chính xác. Bản chất hợp tác xã là tập hợp các thành viên cùng chí hướng với nhau trong hợp tác các mục tiêu kinh tế - xã hội – văn hóa”.
Ngoài ra, bản thân các hợp tác xã có trình độ quản lý, tính tin cậy lẫn nhau còn thấp. Đây là các nguyên nhân được Thứ trưởng Trần Duy Đông chỉ ra khiến các mô hình hợp tác xã thời gian qua còn chưa hiệu quả.
Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về quản lý Nhà nước, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với các Bộ/ngành liên quan trình Quốc hội sửa đổi Luật Hợp tác xã 2012, dự kiến sẽ thông qua vào kỳ V của Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ quy định đẩy đủ 8 nhóm chính sách phát triển kinh tế tập thể của Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương Đảng.
“Đặc biệt, quy định các ưu đãi trực tiếp tại luật để tránh việc phải sửa các luật chuyên ngành về sau và giảm độ trễ, tập trung các chính sách đất đai, vốn, tiếp cận thị trường, chuyển giao khoa học công nghệ. Qua đó, xử lý được 2 khó khăn lớn nhất của hợp tác xã là tiếp cận nguồn lực và phát triển nguồn nhân lực”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.