Huawei: Ngành chip Trung Quốc sẽ tái sinh dưới lệnh cấm của Mỹ

Bán dẫn TRUNG QUỐC
15:09 - 01/04/2023
Chủ tịch luân phiên của Huawei Eric Xu (Xu Zhi Jun) tại sự kiện Huawei Connect 2021. Ảnh: Huawei
Chủ tịch luân phiên của Huawei Eric Xu (Xu Zhi Jun) tại sự kiện Huawei Connect 2021. Ảnh: Huawei
0:00 / 0:00
0:00
Hôm 31/3, Chủ tịch luân phiên của Huawei Eric Xu khẳng định ngành công nghiệp chip Trung Quốc sẽ “tái sinh” dưới các lệnh trừng phạt của Mỹ, trong bối cảnh công ty này tuyên bố đã đạt được bước đột phá trong công nghệ bán dẫn.

Ngành công nghiệp bán dẫn là một trọng điểm trong tranh chấp công nghệ ngày càng gay gắt giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Trong vài năm qua, chính phủ Mỹ đã cố gắng cắt đứt Trung Quốc và các công ty Trung Quốc khỏi các ưu thế công nghệ thông qua các biện pháp trừng phạt và hạn chế xuất khẩu.

Năm 2019, Huawei bị đưa vào danh sách đen của Mỹ, trong đó các công ty Mỹ bị cấm bán bất kỳ công nghệ nào cho công ty Trung Quốc này, đặc biệt là chip cho các sản phẩm 5G. Các hạn chế về chip đối với Huawei tiếp tục được thắt chặt hơn vào năm 2020, từ đó tách biệt công ty này hoàn toàn khỏi các sản phẩm chip tiên tiến cần thiết cho việc sản xuất điện thoại di động thông minh của mình.

Tới năm 2022, chính phủ Mỹ tiếp tục mở rộng các lệnh cấm trong lĩnh vực bán dẫn đối với Trung Quốc thông qua các biện pháp cấm doanh nghiệp của mình bán chip cũng như thiết bị sản xuất chip cho Trung Quốc. Mục tiêu là nhằm cản trở quá trình phát triển trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng tiên tiến khác do lo ngại Trung Quốc ứng dụng công nghệ tiên tiến cho lĩnh vực quân sự.

Tuy nhiên trong một cuộc họp báo ngày 31/3, ông Eric Xu đã đưa ra những lý lẽ chống lại các hạn chế cấm xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc của Mỹ. Theo ông, những động thái này có thể thúc đẩy, thay vì cản trở ngành công nghiệp bán dẫn nội địa của Trung Quốc.

Cụ thể, ông chia sẻ: “Tôi tin rằng ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc sẽ hồi sinh dưới các lệnh trừng phạt này”. Hãng tin CNBC trích dẫn ông cho biết: “Tôi tin rằng ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc sẽ không ngồi yên mà sẽ nỗ lực tự cường và tự lực”. Do đó, ông khẳng định Huawei sẽ “hỗ trợ tất cả những nỗ lực tự cường và tự lực trên” để củng cố ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc.

Trụ sở Huawei tại Reading, Berkshire, Anh tháng 7/2020. Ảnh: Reuters

Trụ sở Huawei tại Reading, Berkshire, Anh tháng 7/2020. Ảnh: Reuters

Các tuyên bố này của ông Eric Xu được đưa ra trong bối cảnh truyền thông Trung Quốc vào tuần trước đưa tin Huawei và các công ty nội địa khác đã cùng nhau tạo ra các công cụ thiết kế chip điện tử cần thiết để sản xuất linh kiện bán dẫn có kích thước từ 14 nanomet trở lên. Ông cho biết những công cụ đó sẽ được xác nhận trong năm nay và từ đó cho phép chúng được đưa vào sử dụng.

Dù vậy, ông Xu cho biết những công cụ này sẽ không có nhiều ý nghĩa với hoạt động kinh doanh của Huawei mà chỉ có nghĩa là các công ty Trung Quốc có các công cụ thiết kế cần thiết trong nước.

Vốn Huawei rất cần những con chip nhỏ cho việc ứng dụng nâng cao của mình - cái mà tập đoàn đang gặp khó khăn. Công ty vẫn đang quay cuồng trong tác động của các lệnh trừng phạt từ chính phủ Mỹ với lợi nhuận ròng năm 2022 giảm 69% so với năm 2021, đánh dấu sự sụt giảm lớn nhất từng được ghi nhận.

Ở một diễn biến khác, chính phủ Trung Quốc trong những năm gần đây vẫn luôn xác định sự tự lực ngành công nghệ là một ưu tiên hàng đầu nhằm hướng tới sự phát triển chất lượng cao. Các công ty Trung Quốc cũng đang cố gắng phát triển các công cụ cần thiết cho việc sản xuất linh kiện bán dẫn trong nước.

Tuy nhiên theo nhận định của nhiều chuyên gia, khả năng Trung Quốc đạt được kỳ tích là không cao và các lệnh hạn chế mới nhất của Mỹ có khả năng gây tổn hại cho ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.

Bản chất của chuỗi cung ứng chip làm cho các lệnh cấm này trở nên rất hiệu quả do các công cụ của Mỹ được sử dụng trong toàn bộ quy trình sản xuất chip, ngay cả khi linh kiện bán dẫn được sản xuất ở một quốc gia khác. Trong khi đó, ngành công nghiệp chip nội địa của Trung Quốc chủ yếu dựa vào công nghệ nước ngoài và thiếu các công ty có thể sánh ngang với các công ty ở các thị trường Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tin liên quan

Đọc tiếp

CEO Apple Tim Cook.

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam

Ngày 15/4, Apple xác nhận CEO Tim Cook có mặt tại Việt Nam nhằm tăng các khoản chi cho các nhà cung cấp Việt Nam, cũng như hỗ trợ cung cấp năng lượng sạch, nước sạch cho các trường học.