Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan và TS. Cao Đức Phát chủ trì tọa đàm. Ảnh: Phương Thảo. |
Tại tọa đàm “Phát huy vai trò cộng đồng trong thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn” ngày 16/8, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, tư duy tiếp cận từ cộng đồng đã được khởi phát từ lâu nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. Tọa đàm chính là để xem lại định hướng và nội dung của cách "tiếp cận từ cộng đồng" trong chiến lược phát triển nông nghiệp.
“Một mô hình có thể thay đổi bằng một mô hình nhưng tư duy lại được kết tinh, chọn lọc từ những kinh nghiệm của thế giới. Đã đến lúc cần hòa vào quỹ đạo chung của thế giới, với cách tiếp cận đa chiều, huy động thế mạnh của cộng đồng vào phát triển nông nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, "tiếp cận từ cộng đồng" là một trong những hướng đi trong quá trình thay đổi tư duy, cách quản trị xã hội. Cộng đồng xã hội cân bằng những hạn chế của Nhà nước và thị trường và là một điểm cốt lõi trong tam giác phát triển Nhà nước - thị trường - xã hội.
Ảnh: Phương Thảo "Việc không tận dụng nguồn lực từ các cộng đồng có thể tạo ra một sự trông chờ, ỷ lại, làm tê liệt sáng kiến, sáng tạo và năng lượng trong cộng đồng. Như vậy, cần kích hoạt sự tham gia của các cộng đồng, như thành lập các mô hình gắn kết để kích hoạt sự tự chủ và tự lực của các hộ nông dân trong cộng đồng đó”.
Từ thực tế, Bộ trưởng NN&PTNT gợi mở, sự thành lập của các hội quán nông dân đã chứng minh thực tế rằng, việc tạo ra một không gian cộng đồng để người dân có thể làm chủ, trực tiếp đóng góp ý kiến, sau đó thu hút được sự tham gia của các tổ chức quốc tế, chuyên gia, các trường đại học trong quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn là rất cần thiết.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng cần có thiết chế, thiết lập bài bản các chuyên đề, giáo trình phát triển cộng đồng. Các hội quán cộng đồng hoạt động hiệu quả sẽ giúp huy động nguồn lực của doanh nghiệp, giúp giải bài toán thị trường,
Nhìn vào mối liên hệ giữa phát triển cộng đồng với cải thiện đời sống nông dân, TS. Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng NN&PTNT, Chủ tịch Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế cho rằng, phát triển nông nghiệp không chỉ vì cây lúa hay con heo mà chính là vì người dân, trong đó, đặt người nông dân là trọng tâm. Phát triển nông nghiệp phải được coi là phương pháp nông vận kết hợp với kỹ thuật và giải pháp hành chính.
“Không thể dùng chính sách bao phủ mọi tầng lớp nhân dân với mọi nơi mọi vùng miền. Thay vào đó cần dựa vào người nông dân và phát huy vai trò tập thể của cộng đồng nông dân để có những giải pháp cụ thể, thiết thực”, TS. Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Một mô hình tiêu biểu của hội quán
Chia sẻ thực tế tại tọa đàm về mô hình hội quán được xây dựng thành công từ năm 2016, ông Trần Phú Hậu, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho biết, Minh Tâm hội quán được xây dựng theo hướng sản xuất nông nghiệp đa tầng gắn với du lịch cộng đồng trải nghiệm.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan tham dự buổi ra mắt của Minh Tâm hội quán. Ảnh: UBND tỉnh Đồng Tháp. |
Minh Tâm hội quán có hơn 80 thành viên, gắn kết vơi nhau bằng tinh thần tự nguyện để trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất và mua bán sản phẩm với nhau.
“Hội quán đã nhiều lần chuyển giao khoa học đến nông dân, giới thiệu những giải pháp để tổ chức sản xuất hiệu quả gắn với biến đổi khí hậu, thực hiện dịch vụ ‘Cây xoài nhà tôi’, cho phép ứng dụng nhật ký điện tử thông qua mã QR trên phần mềm facefarm, triển khai nhật ký điện tử, xây dựng ứng dụng công nghệ số trong quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm xoài Cao Lãnh”, ông Hậu liệt kê các hoạt động của Minh Tâm hội quán.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế vào phát triển cộng đồng, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP cho biết, UNDO đang thực hiện 1.771 dự án với kinh phí 63 triệu USD tài trợ 163 quốc gia về phát triển cộng đồng, gồm: Bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, ngăn ngừa thoái hóa đất và hoang mạc hoang hóa, quản lý rừng bền vững, quản lý rác thải, rác thải nhựa.
Theo bà Huyền, các chương trình của UNDP triển khai trong gần 30 năm qua tại Việt Nam đã có những tác động tích cực tới cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trong phát triển môi trường và sinh kế bền vững.
“Chúng tôi nhận thấy điều to lớn là chỉ khi nào có đông đảo cộng đồng người dân tham gia thì các dự án của UNDP sẽ thành công, tạo tác động rộng lớn. Chúng tôi trao quyền cho cộng đồng tại khâu thiết lập sáng kiến và hiện thực hóa theo phương châm: Cộng đồng tham gia, cộng đồng làm chủ, cộng đồng hưởng lợi”, điều phối viên của UNDP chia sẻ kinh nghiệm.