Logo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Ảnh: Reuters |
Nikkei Asia đưa tin, theo triển vọng kinh tế khu vực do Vụ Châu Á - Thái Bình Dương của IMF công bố ngày 18/4, nhìn chung, các nền kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm 2024 - tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng 10/2023, nhưng sẽ giảm xuống mức 4,3% vào năm 2025.
Ấn Độ và Trung Quốc được dự đoán sẽ là hai động lực lớn nhất góp phần vào con số tăng trưởng trên. Xét về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế, Ấn Độ được dự báo sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm nay – tốc độ tăng nhanh nhất so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào; còn Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,6%.
5 nền kinh tế hàng đầu ASEAN (ASEAN-5) gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan được dự báo sẽ tăng trưởng 4,5%; trong khi Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng GDP lên tới gần 6%.
Theo IMF, hình thức và động lực tăng trưởng của châu Á sẽ khác nhau đáng kể giữa các quốc gia. IMF cho biết đầu tư sẽ thúc đẩy nhiều hoạt động ở Trung Quốc và Ấn Độ, trong khi tiêu dùng tư nhân sẽ cung cấp động lực chính cho các thị trường mới nổi khác ở châu Á. Đối với một số nền kinh tế tiên tiến như Hàn Quốc, xuất khẩu – được thúc đẩy bởi nhu cầu về chất bán dẫn – sẽ là ngành dẫn đầu.
Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo rằng chính sách tiền tệ của Mỹ vẫn sẽ là một thách thức bên ngoài đối với hoạt động kinh tế của châu Á. Một số loại tiền tệ châu Á, như đồng Yen Nhật Bản – đã bị suy yếu do chênh lệnh lãi suất với Mỹ, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất ổn định ở mức cao nhất trong 23 năm.
IMF khuyến nghị rằng các ngân hàng trung ương của các nước nên tập trung vào áp lực lạm phát trong nước khi đưa ra các quyết định chính sách, hơn là phản ứng với động thái từ Fed.
Ông Krishna Srinivasan, Giám đốc IMF phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: “Các quốc gia không nên định hướng chính sách của mình một cách cứng nhắc theo những gì họ mong đợi Fed sẽ làm hoặc những gì họ mong đợi đồng USD sẽ làm”.
Các quan chức tài chính hàng đầu của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc hôm 17/4 đều bày tỏ lo ngại trước suy yếu gần đây của đồng Yen và đồng Won, đồng thời tuyên bố sẽ duy trì liên lạc chặt chẽ về sự biến động trên thị trường tiền tệ.
Theo nhận định của IMF, Trung Quốc cũng sẽ có ảnh hưởng to lớn tới phần còn lại của châu Á. Cơ quan này ước tính rằng mức tăng trưởng 1 điểm phần trăm trong nền kinh tế Trung Quốc sẽ mang lại sự thúc đẩy 0,3 điểm phần trăm cho các nền kinh tế châu Á khác trong trung hạn. Tăng trưởng GDP quý đầu tiên của Trung Quốc mạnh hơn dự kiến, nhưng theo IMF, lĩnh vực bất động sản tại nước này vẫn còn điểm yếu.
"Bất kỳ sự tăng trưởng nào của Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến các nước ở châu Á. Một số quốc gia, đặc biệt là [Hàn Quốc], có liên kết thương mại chặt chẽ hơn với Trung Quốc, sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Nhưng nhìn chung, khu vực này sẽ tiếp tục hoạt động tốt hơn khi Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn," ông Srinivasan nói.
Mặt khác, những biến động địa chính trị - chẳng hạn như các cuộc tấn công vào tàu bè ở Biển Đỏ, hay các hạn chế thương mại gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ - cũng có thể gây rủi ro cho sự tăng trưởng của khu vực. “Rất ít khu vực được hưởng lợi nhiều từ hội nhập thương mại như châu Á. Do đó, sự phân mảnh về địa kinh tế tiếp tục là một rủi ro lớn,” ông Srinivasa nhận định.