IMF: Kinh tế Ấn Độ sẽ vượt Nhật Bản vào năm 2025

KINH TẾ ẤN ĐỘ
11:29 - 21/04/2024
Một triển lãm ô tô ở New Delhi, Ấn Độ, tháng 2/2024. Ấn Độ đã vượt qua Nhật Bản về doanh số bán ô tô nội địa vào năm 2022. Ảnh: Nikkei Asia
Một triển lãm ô tô ở New Delhi, Ấn Độ, tháng 2/2024. Ấn Độ đã vượt qua Nhật Bản về doanh số bán ô tô nội địa vào năm 2022. Ảnh: Nikkei Asia
0:00 / 0:00
0:00
Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của Ấn Độ có thể vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2025 – sớm hơn một năm so với dự báo trước đó.

Nikkei Asia đưa tin, IMF dự báo GDP của Ấn Độ có thể sẽ đạt 4,3398 nghìn tỷ USD vào năm 2025, so với GDP dự kiến của Nhật Bản là 4,3103 nghìn tỷ USD. Trước đó, trong dự báo hồi tháng 10/2023, IMF đã nêu khả năng kinh tế Ấn Độ sẽ vượt qua Nhật Bản vào năm 2026.

Trong bản cập nhật vào tháng 4 năm nay, IMF đã điều chỉnh nhẹ dự báo GDP của cả hai nước (tính theo đồng nội tệ). Tuy nhiên, việc đồng Yen trượt giá được cho là sẽ làm giảm nền kinh tế Nhật Bản (tính theo đồng USD), đẩy nhanh tốc độ tụt hạng của nước này trên bảng xếp hạng các nền kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, đồng Rupee của Ấn Độ gần như không thay đổi so với đồng USD kể từ đầu năm 2023, dường như có sự can thiệp của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ. Tỷ giá hiện tại ở mức khoảng 83 Rupee đổi 1 USD.

Vào năm 2023, GDP của Đức đã vượt qua Nhật Bản. Nếu tiếp tục bị Ấn Độ vượt qua, nền kinh tế xứ sở hoa anh đào sẽ tụt xuống vị trí thứ 5.

GDP danh nghĩa của Ấn Độ xếp thứ 10 thế giới tính đến năm 2014. IMF dự báo nước này sẽ vượt Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2027. Năm 2022, Ấn Độ đã vượt qua Nhật Bản về doanh số ô tô nội địa để trở thành thị trường lớn thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ.

Mặc dù kinh tế Ấn Độ đã suy thoái trong thời kỳ dịch Covid-19, nhưng quốc gia này vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao trong những năm gần đây nhờ dân số tăng. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ dự báo ​​​​GDP nước này sẽ tăng 7% theo giá trị thực trong năm tài chính 2024.

Theo Nikkei Asia, mặc dù tầng lớp trung lưu của Ấn Độ đang mở rộng nhưng GDP bình quân đầu người hiện chỉ ở mức trung bình 2.000 USD. Mức này bằng khoảng 1/5 so với Trung Quốc và gần bằng mức của Bangladesh.

Bên cạnh đó, khoảng cách giàu nghèo vẫn đang là một vấn đề của quốc gia đông dân nhất thế giới. Trong bài nghiên cứu công bố hồi tháng 3 của 4 nhà kinh tế Kumar Bharti, Lucas Chancel, Thomas Piketty và Anmol Somanchi, các tác giả chỉ ra rằng 1% dân số Ấn Độ đang nắm giữ sự giàu có ở mức cao nhất trong 6 thập kỷ và tỷ lệ thu nhập của họ thậm chí vượt xa các nền kinh tế trên thế giới như Brazil và Mỹ.

Trong năm 2022 - 2023, 22,6% thu nhập quốc dân của Ấn Độ thuộc về nhóm 1% dân số hàng đầu. Đây là mức cao nhất được ghi nhận trong dữ liệu kể từ năm 1922. Tính đến cuối năm 2023, những công dân giàu nhất Ấn Độ sở hữu 40,1% tài sản của đất nước, mức cao nhất kể từ năm 1961.

10.000 cá nhân giàu nhất trong số 92 triệu người trưởng thành ở Ấn Độ sở hữu tài sản trung bình 22,6 tỷ Rupee (271,91 triệu USD), gấp 16.763 lần mức trung bình của cả nước.

Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra các sáng kiến ​​nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người nghèo. Vào tháng 12/2023, Cố vấn kinh tế trưởng của Ấn Độ cho biết việc trợ cấp phân phối ngũ cốc, các khoản tài chính cho giáo dục và y tế, cũng như chuyển tiền mặt trực tiếp thông qua chương trình việc làm ở nông thôn đã giúp phân phối thu nhập bình đẳng hơn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.