Khói bốc lên sau cuộc tấn công của Israel ở Rafah, Dải Gaza, ngày 28/5. Ảnh: AFP |
Theo Times of Israel, phát biểu trong cuộc họp báo trên truyền hình ngày 29/5, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Daniel Hagari tuyên bố quân đội Israel đã giành được quyền kiểm soát hoạt động đối với “Hành lang Philadelphi” – mật danh mà Tel Aviv đặt cho vùng đệm kéo dài 14km dọc theo biên giới giữa Dải Gaza và Ai Cập.
Vùng đệm này là khu vực duy nhất của Dải Gaza mà Israel không trực tiếp kiểm soát. Ông Hagari cho biết quân đội đã phát hiện khoảng 20 đường hầm dọc theo hành lang và xuyên vào Ai Cập, 82 điểm tiếp cận các đường hầm dọc hàng lang.
Người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Daniel Hagari. Ảnh: CNN |
“’Hành lang Philadelphi’ đóng vai trò là đường dẫn oxy cho Hamas, là nơi mà nhóm này thường xuyên sử dụng để buôn lậu vũ khí vào khu vực Dải Gaza,” người phát ngôn IDF nhấn mạnh, đồng thời cho biết quân đội Israel hiện đã có mặt ở hầu hết vùng đệm này và đang tiến hành chiến dịch vô hiệu hóa các đường hầm.
Ngay sau đó, kênh truyền hình Al-Qahera News TV trực thuộc Nhà nước Ai Cập dẫn lời một nguồn tin “quan chức cấp cao giấu tên” nói rằng, các báo cáo phát hiện đường hầm giữa Ai Cập và Dải Gaza là “không đúng sự thật”.
Nguồn tin cấp cao cũng chỉ trích rằng Israel đang cố gắng “tuyên truyền những lời nói dối” để che đậy “sự thất bại quân sự tại Rafah và khủng hoảng chính trị của nước này”.
Hồi tháng 2, một quan chức Ai Cập nói với CNN rằng nếu Israel triển khai quân đội tại Hành lang Philadelphi mà không có thỏa thuận trước giữa hai nước sẽ là vi phạm hiệp ước hòa bình, đồng thời nói thêm rằng Cairo chưa chấp thuận việc triển khai như vậy.
Người dân Palestine chạy trốn khỏi Rafah, ngày 28/5. Ảnh: AP |
Về phía Mỹ, khi được hỏi rằng liệu diễn biến này có vượt qua ranh giới đỏ của Washington liên quan đến một cuộc tấn công quân sự lớn của Israel ở Rafah hay không, Nhà Trắng ngày 29/5 cho biết điều đó sẽ không xảy ra.
“Khi Israel thông báo cho chúng tôi về kế hoạch của họ đối với Rafah, điều đó bao gồm việc di chuyển dọc theo hành lang và thành phố để gây áp lực lên lực lượng Hamas trong khu vực này,” người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói.
Ông Kirby từ chối xác nhận thông tin Israel thực sự đã chiếm giữ toàn bộ Hành lang Philadelphi. Tuy nhiên, quan chức này cho biết động thái này của quân đội Israel phù hợp với hoạt động trên bộ “có giới hạn” mà Tel Aviv đã thông báo với Washington trước đó.
Đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo rằng ông sẽ tạm dừng chuyển giao các chuyến hàng vũ khí tấn công tới Israel nếu IDF tiến hành một cuộc tấn công quân sự lớn vào thành phố Rafah. Đây là nơi trú ẩn của hơn một triệu người Palestine phải di dời khỏi nhà của mình từ các khu vực khác trên khắp Dải Gaza do ảnh hưởng của chiến sự.
Bất chấp làn sóng chỉ trích quốc tế ngày càng tăng đối với chiến dịch quân sự, Israel khẳng định Rafah là thành trì lớn cuối cùng còn sót lại của Hamas ở Dải Gaza, đồng thời cho rằng nhiều con tin còn lại bị lực lượng này bắt giữ. Vào ngày 26/5, quân đội Israel đã tiến hành một vụ tấn công vào thành phố Rafah, khiến một khu trại cho người tị nạn Palestine bị cháy và ít nhất 45 người thiệt mạng.
Người Palestine tập trung tại địa điểm xảy ra cuộc tấn công của Israel vào một trại tị nạn ở Rafah, ngày 27/5. Ảnh: AFP |
Vào thời điểm đó, quân đội Israel xác nhận đã thực hiện cuộc tấn công một cơ cở của Hamas tại Rafah và tiêu diệt 2 quan chức cấp cao của Hamas bằng “vũ khí chính xác và dựa trên thông tin tình báo chính xác”. Ngày 27/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thừa nhận về “sai lầm bi thảm” đã xảy ra trong cuộc tấn công Rafah.
Theo Cơ quan Y tế Gaza, tính đến ngày 29/5, đã có hơn 36.100 người Palestine đã thiệt mạng kể từ khi Israel thực hiện chiến dịch quân sự vào Dải Gaza. Cơ quan Liên Hợp Quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) cùng ngày ước tính rằng khoảng một triệu người dân từng trú ẩn ở Rafah hiện đã chạy trốn sau lệnh sơ tán của Israel.
Liên Hợp Quốc đã cảnh báo về tình trạng suy dinh dưỡng và nguy cơ nạn đói đang trở nên phổ biến ở Gaza, trong bối cảnh hoạt động vận chuyển viện trợ nhân đạo bị chậm lại đến mức nhỏ giọt kể từ khi Israel tấn công Rafah.