Bà Bùi Kim Thuỳ - Phó Tổng giám đốc VinFast Việt Nam. |
Tại Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam 2023 chiều 6/10, các lãnh đạo doanh nghiệp tiên phong trong việc triển khai các mô hình kinh tế mới đã có những chia sẻ về mục tiêu, hướng đi cũng như kinh nghiệm sau nhiều năm thực hiện.
Liên quan đến kinh tế số, ông Vũ Anh Tú - Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT cho biết, ngay từ khi bắt đầu chuyển đổi số, tập đoàn đã xác định đây là bước đi vô cùng quan trọng, vì vậy việc đầu tiên là phải xây dựng phương pháp luận, tập trung vào 3 điểm: Kinh doanh, hạ tầng và quan trọng nhất là con người.
Sau khi có phương pháp luận, FPT tiến hành đào tạo cho lãnh đạo, nhân viên, đưa chuyển đổi số vào quản trị các quy trình nội bộ. Hiện đa phần các tác vụ cơ bản trong công việc như phê duyệt, khen thưởng, báo cáo, các tác vụ nhân sự… đều được số hóa.
Theo ông Tú, kinh tế số chính là tương lai. Vì vậy, FPT luôn nghĩ đến việc kinh doanh trên nền tảng số. Mới đây nhất, tập đoàn đã xây dựng chuỗi nhà thuốc về công nghệ, đưa mọi hoạt động của nhà thuốc trên nền tảng số.
“Hơn 80% đơn hàng được bán trực tuyến giao đến khách hàng trong vòng một tiếng nhờ công nghệ theo dõi đơn hàng, kho hàng, vận chuyển, thanh toán”, ông Tú chia sẻ tại diễn đàn do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức.
FPT còn làm việc với các khách hàng lớn như Thaco, VinFast, Thiên Long, Tân Long… giúp họ rút ngắn quy trình, tăng năng suất, doanh thu.
Thảo luận về vấn đề chính sách tác động đến kinh tế số, ông Vũ Anh Tú khẳng định FPT và các doanh nghiệp có bước đột phá nhanh chóng nhờ sự hỗ trợ của chính sách đúng đắn. Điển hình nhất là Đề án 06 đang hoạt động hiệu quả và đem lại lợi ích cho người dân. Căn cước công dân gắn chip, đơn thuốc điện tử… là những ứng dụng số từ đề án 06 giúp cải thiện cuộc sống của người dân, thúc đẩy kinh tế số phát triển nhanh hơn nữa.
Ông Vũ Anh Tú - Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT. |
Liên quan đến kinh tế xanh, bà Bùi Kim Thuỳ - Phó Tổng giám đốc VinFast Việt Nam ví von xu hướng hiện nay “trăm đường không tránh khỏi số, trăm đường không tránh khỏi xanh”. Theo bà, "xanh" chính là chìa khoá giải quyết vấn đề toàn cầu hiện nay, khi giao thông góp tới 33% vào ô nhiễm môi trường.
Bà Thuỳ cho biết, với mục tiêu đóng góp vào kế hoạch giảm phát thải ròng cùng Chính phủ và các nhà lãnh đạo sau COP26, VinFast đã quyết định trở thành nhà sản xuất ô tô đầu tiên trên thế giới dừng hoàn toàn xe tăng để sản xuất ô tô thuần điện. Đặc biệt, VinFast cũng là doanh nghiệp đầu tiên có đầy đủ dải sản phẩm, từ ô tô đủ các phân khúc đến xe buýt điện, xe máy điện, xe đạp điện, taxi điện.
Cùng với sản phẩm, VinFast còn tích cực hợp tác với các đối tác để chuyển đổi các sản phẩm dịch vụ sang xe thuần điện, riêng từ đầu năm tới nay đã hợp tác với hơn 20 đơn vị. Tháng 9 vừa qua, VinFast còn cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia triển khai chương trình “Tự hào cùng bạn kiến tạo thế hệ xanh”. Chương trình nhằm tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn tới đông đảo học sinh, sinh viên mô hình di chuyển xanh an toàn, đồng thời lan toả xu hướng sống xanh tới thế hệ trẻ.
Là đơn vị tiên phong triển khai kinh tế chia sẻ tại Việt Nam, bà Đặng Thị Thuỳ Trang – Giám đốc đối ngoại Grab Việt Nam cho biết, đóng góp quan trọng của nền kinh tế chia sẻ đó là tạo động lực cho các thành phần trong xã hội, từ tài xế, doanh nhân đến cơ quan quản lý tăng tốc ứng dụng công nghệ. “Hơn 76% người dùng Việt Nam sử dụng smartphone, tỷ lệ hoà mạng cao... Đây chính là kết quả khi kinh tế chia sẻ được thúc đẩy”, bà Trang nói.
Kinh tế chia sẻ giúp góp phần tối ưu hoá năng lực sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm tài nguyên. Một gia đình 4 người có thể có 4 xe cá nhân, nhưng với nền tảng kết nối xe hiện nay thì thậm chí không cần chiếc xe nào hết. Giảm xe sẽ giảm phát thải, đóng góp cho phát triển bền vững.
Ở khía cạnh tài chính, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập Momo cũng đánh cao vai trò của kinh tế chia sẻ khi các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ. Momo thực hiện kết nối các doanh nghiệp với thị trường qua nền tảng công nghệ, cùng với đó là hỗ trợ họ tiếp cận tín dụng.
“Doanh nghiệp Việt Nam nhỏ nhưng có khả năng xoay sở cao. Trước đây để thuyết phục họ thực hiện số hoá rất khó, nhưng sau Covid-19, họ đã đã tự dịch chuyển để thích ứng. Chúng tôi đặt ra mục tiêu làm sao để giữ họ trên hệ thống số hoá, giúp họ tham gia vào chuỗi cung ứng để đảm bảo đầu ra sản phẩm và ngày càng phát triển”, ông Diệp cho biết.
Liên quan đến kinh tế tuần hoàn, ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch Shinec, đơn vị đầu tư KCN sinh thái Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) chia sẻ, hiện Nam Cầu Kiền đã xây dựng 3 hệ sinh thái tuần hoàn thuộc các ngành thép, nhựa, điện tử và đang mong chờ chính sách về năng lượng tái tạo để đạt mục tiêu zero carbon vào thời gian ngắn nhất.
Ông Điệp cho rằng, tất cả doanh nghiệp khi tham gia vào kinh tế tuần hoàn đều có lợi, vì rác thải cũng chính là tài nguyên. Để thay đổi nhận thức cho doanh nghiệp, Shinec đã thành lập CLB Eco Nam Cầu Kiền gồm các chủ đầu tư để có các buổi thảo luận, chia sẻ, thực tế, để chứng minh rằng họ có lợi, có lãi khi xử lý tái chế các nguyên liệu.
Hiện tại, KCN Nam Cầu Kiền đều đã đáp ứng tốt các điều kiện về kinh tế tuần hoàn như quản trị, môi trường, xã hội. Tham vọng của Shinec sắp tới là xây dựng kinh tế tuần hoàn theo vùng. Như Hải Phòng có nhiều KCN, việc liên kết, nhân rộng mô hình sẽ tạo ra một vùng kinh tế tuần hoàn. Xa hơn chính là tham vọng xây dựng hệ sinh thái tuần hoàn trên cả nước. Thực tế, Shinec đã liên kết, hộ trợ KCN tại các tỉnh như Quảng Ninh, Thái Bình, Gia Lai, Khánh Hoà...
Tới đây chính sách cho kinh tế tuần hoàn được hoàn thiện sẽ là cẩm nang cho doanh nghiệp hành động. Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là đưa ra thông điệp để tất cả các doanh nghiệp đều thấy rằng tham gia chuỗi cộng sinh sẽ chỉ có lợi cho họ và đóng góp vào sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam.