Theo Phó Thống đốc, tính tới ngày 31/8, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng 5,56%, trong khi cùng kỳ tăng 9,88%. Doanh nghiệp đã ngấm khó khăn, song chưa ai có thể trả lời được khó khăn đã chạm đáy hay chưa.
Lý giải về tình trạng tín dụng tăng chậm, Phó Thống đốc cho biết, khó khăn nhất là tiêu thụ sản phẩm, thị trường giảm, đơn hàng thiếu vắng, cầu của thị trường thế giới và trong nước đều giảm.
"Đừng để tình trạng doanh nghiệp tồn kho hàng, ngân hàng tồn kho tiền, trong khi doanh nghiệp thì cần vay vốn, còn ngân hàng thì không cho vay được. Điều này làm ảnh hưởng vấn đề sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đến nguồn lực cho đầu tư phát triển và mục tiêu tăng trưởng của năm nay", ông Đào Minh Tú nói.
Theo Phó Thống đốc, chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ lại khó khăn như hiện nay. Trên thế giới, nhiều quốc gia vẫn tăng lãi suất. Hôm qua (14/9), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới tăng lãi suất thêm 0,25%, Fed cũng chỉ mới tạm dừng tăng lãi suất chứ chưa nới lỏng, kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản… cũng đang khó khăn.
Mặc dù vậy, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã liên tục 4 lần giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế. Áp lực vốn lên hệ thống ngân hàng rất lớn trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán gặp khó.
“Vốn ngân hàng hiện nay đang dư thừa, nói cách khác ngân hàng đang phải chữa bệnh thừa tiền. Chữa bệnh thiếu tiền đã khó nhưng chữa bệnh thừa tiền còn khó hơn. Nếu thiếu tiền, Ngân hàng Nhà nước có thể cho vay tái cấp vốn, nhưng thừa tiền thì Ngân hàng Nhà nước cũng không 'cứu' được”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị chiều 15/9. |
Trong bối cảnh này, đẩy mạnh bơm tín dụng ra nền kinh tế là vấn đề được Chính phủ quan tâm. Tuy vậy, theo ông Đào Minh Tú, để có thể thúc đẩy tín dụng, cần có sự tháo gỡ từ hai phía.
Về phía doanh nghiệp, cần tạo ra hấp thụ vốn từ doanh nghiệp. Muốn vậy cần có giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp tiêu thụ được hàng hóa, ít nhất là nếu không tiêu thụ được thì có lộ trình, cách thức nhằm tạm trữ được một thời gian, sau này bán được hàng hóa, thu hồi được nguồn tiền trả ngân hàng thì ngân hàng vẫn cho vay.
Tiếp đến, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ về cơ chế làm sao cho nhiều công trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp, nhất là bất động sản tháo gỡ được khó khăn về mặt pháp lý để triển khai dự án, bởi ngân hàng chờ giải ngân nhưng dự án không đủ pháp lý thì không thể giải ngân được.
Ngoài ra, các cấp chính quyền cần hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra thị trường, xúc tiến đầu tư thông qua các quan hệ ngoại giao, quan hệ sứ quán, hợp tác kinh tế. Đồng thời với việc này là giúp doanh nghiệp có đầu ra thị trường trong nước với 100 triệu dân.
Về phía ngân hàng, ông Tú cho rằng muốn tăng tín dụng cao hơn nữa thì ngân hàng phải chủ động. Trước đây Ngân hàng Nhà nước rất gay gắt, quyết liệt trong vấn đề hạ lãi suất nhưng nhiều ngân hàng thương mại còn lừng khừng không giảm, ngân hàng chưa thấy được giảm lãi suất là hỗ trợ quan hệ cộng sinh của mình và doanh nghiệp.
"Nhưng trong một, hai tuần vừa qua, không ngân hàng nào dám không giảm lãi suất, bởi nếu không giảm thì không có doanh nghiệp nào chơi với ngân hàng nữa", ông Đào Minh Tú cho biết.
Lý giải việc này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, do quy định mới cho phép các doanh nghiệp vay ngân hàng này trả ngân hàng kia. Việc này không chỉ làm cho ngân hàng phải hạ lãi suất mà thủ tục cho vay cũng phải cắt bớt rườm rà.
Dù nỗ lực đẩy mạnh dòng chảy tín dụng, song Phó Thống đốc cũng lần nữa nhấn mạnh “không thể ném tiền qua cửa sổ, dẫn tới mất vốn, mất an toàn của các tổ chức tín dụng". Theo ông, nguồn cho vay của các ngân hàng là tiền huy động của dân, phải trả lại cho người dân. Vì vậy, ngân hàng có thể giãn, hoãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp song không phải là cấp phát, cho vay vẫn phải thu hồi được nợ.