Khung cảnh rực rỡ sắc màu của làng làm hương xứ Huế

văn hóa Huế
09:36 - 20/02/2023
Du khách đến thăm Làng Hương không chỉ có thể check-in với khung cảnh tươi đẹp, mà còn có thể “hóa thân” thành những chàng hoàng tử, công chúa, hoàng hậu với những bộ trang phục truyền thống của triều Nguyễn xưa. Ảnh: Anh Thư
Du khách đến thăm Làng Hương không chỉ có thể check-in với khung cảnh tươi đẹp, mà còn có thể “hóa thân” thành những chàng hoàng tử, công chúa, hoàng hậu với những bộ trang phục truyền thống của triều Nguyễn xưa. Ảnh: Anh Thư
0:00 / 0:00
0:00
Cách nội thành chưa đến 10km, với phong cách trang trí mang bản sắc riêng độc đáo, làng hương xứ Huế đang là một địa điểm thu hút khách du lịch cả trong và ngoài nước, đặc biệt là các bạn trẻ đến tham quan và chụp ảnh.

Khu làng hương gồm một dãy các cửa hàng bán hương từ khoảng số 50 tới 80 đường Huyền Trân Công Chúa, phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Mỗi gian hàng được trang trí theo những phong cách khác nhau, nhưng đều có điểm chung là gợi lại những nét truyền thống, không gian xưa của Huế, với nguyên liệu được sử dụng là những que hương nhiều màu được bó xòe và bày thành những đóa hoa rực rỡ.

Trước kia, hương vốn chỉ có hai màu nâu và đỏ, nhưng để bắt mắt hơn, những người thợ đã tìm cách phối thành nhiều màu để nhuộm chông, với những màu sắc rực rỡ như xanh, vàng, đỏ, tím… Người dân bó những thanh chông này xòe thành những đóa hoa mang những nét riêng của Làng hương Xứ Huế.

Các gian hàng được trang trí theo không gian xưa của Huế với nguyên liệu được sử dụng là những que hương nhiều màu được bó xòe và bày thành những đóa hoa rực rỡ. Ảnh: Anh Thư

Các gian hàng được trang trí theo không gian xưa của Huế với nguyên liệu được sử dụng là những que hương nhiều màu được bó xòe và bày thành những đóa hoa rực rỡ. Ảnh: Anh Thư

Đến với làng hương, du khách không chỉ có thể check-in với khung cảnh tươi đẹp, mà còn có thể “hóa thân” thành những chàng hoàng tử, công chúa, hoàng hậu với những bộ trang phục truyền thống của triều Nguyễn xưa, được chủ cửa hàng cho thuê với mức giá cả phải chăng.

Ngoài ra, người dân ở đây còn kết hợp vừa làm hương vừa làm các sản phẩm du lịch, bán các mặt hàng lưu niệm như tranh sơn dầu, quạt, đồ thổ cẩm, đồ trang sức thủ công để thêm thu nhập, giúp cuộc sống người dân khởi sắc hơn.

Dưới thời nhà Nguyễn, làng hương trước kia là nơi cung cấp hương cho triều đình, phủ quan và người dân trong vùng Thuận Hóa, Phú Xuân. Trải qua nhiều năm, làng Hương Huế vẫn tiếp tục được gìn giữ và phát triển, không chỉ góp phần làm giàu thêm văn hóa xứ Huế mà còn là một địa điểm du lịch đặc sắc của thành phố.

Nghề làm hương trầm Thủy Xuân cũng đã được công nhận là nghề truyền thống của tỉnh Thừa Thiên Huế hồi tháng 12/2021. Hương ở Thủy Xuân có mùi thơm đặc trưng và được làm hoàn toàn thủ công, với nguyên liệu tự nhiên thân thiện với môi trường, sức khỏe.

Hầu hết người dân nơi đây hiện vẫn sinh sống bằng nghề làm hương truyền thống truyền qua nhiều thế hệ. Làng hương Thủy Xuân cung cấp ra thị trường đủ các loại hương như: hương quế, hương dầu sả, hương thơm tẩy mùi, nhang vòng, nụ trầm, nổi bật nhất là hương trầm. Hương Thủy Xuân không chỉ cung ứng nhu cầu trong tỉnh mà còn trong cả nước cũng như xuất khẩu nước ngoài.

Làng hương thu hút khách du lịch từ mọi độ tuổi tới tham quan, chụp ảnh. Ảnh: Anh Thư

Làng hương thu hút khách du lịch từ mọi độ tuổi tới tham quan, chụp ảnh. Ảnh: Anh Thư

Việc quy hoạch làng nghề gắn với du lịch là một trong những nội dung của Quyết định Quy hoạch phát triển nghề truyền thống và làng nghề trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, việc phát triển du lịch làng nghề sẽ tập trung vào gắn kết chương trình phát triển làng nghề với chương trình phát triển du lịch, tăng các tour du lịch làng quê, làng nghề, phố nghề vừa phục vụ du lịch, vừa trình diễn nghề và bán sản phẩm làng nghề.

Đồng thời nâng cấp, cải tạo hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch hợp lý mặt bằng khuôn viên của cơ sở sản xuất trong làng nghề vừa phục vụ phát triển sản xuất, đảm bảo mỹ quan và thuận lợi cho khách du lịch khi đến tham quan và mua sắm tại làng nghề.

Huế cũng đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề. Xây dựng địa điểm trình diễn sản phẩm, giới thiệu và bán hàng lưu niệm cho du khách. Đồng thời nghiên cứu bảo tồn các di tích lịch sử của làng nghề như Đền thờ Tổ nghề, các lễ hội văn hóa truyền thống của làng; xây dựng các điểm sản xuất thử nghiệm cho du khách tham gia,…

Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 86 làng nghề, 57 nghề truyền thống hoạt động riêng lẻ. Việc bảo tồn, phát huy làng nghề truyền thống được tỉnh Thừa Thiên Huế xác định ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Tỉnh có nhiều hoạt động góp phần bảo tồn, khôi phục và phát triển các làng nghề, như Chương trình xây dựng nông thôn mới; Đề án khôi phục và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống; Chương trình mỗi xã một sản phẩm; Chương trình phát triển tài sản trí tuệ.

Ngoài ra, các kỳ Festival nghề truyền thống Huế cũng góp phần hồi sinh, phát triển các làng nghề, giúp hình thành các điểm giới thiệu quảng bá nghề truyền thống và các điểm đến du lịch.

Tin liên quan

Đọc tiếp