Kinh doanh kém sắc, lợi nhuận MB vẫn tăng do giảm dự phòng rủi ro

NGÂN HÀNG Việt nAM
14:22 - 02/05/2023
Ảnh: Sơn Quách
Ảnh: Sơn Quách
0:00 / 0:00
0:00
Quý 1/2023, ngân hàng MB ghi nhận lợi nhuận tăng 10%, chủ yếu nhờ giảm trích lập dự phòng rủi ro vì nhiều mảng hoạt động đều sụt giảm.

Theo báo cáo tài chính quý 1/2023, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã: MBB) ghi nhận hoạt động chính là thu nhập lãi thuần đạt hơn 10.227 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là nguồn thu duy nhất tăng trưởng trong quý đầu năm tại ngân hàng này.

Trong khi đó, lãi từ hoạt động dịch vụ tại MB giảm 38% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 690 tỷ đồng, do giảm thu từ dịch vụ tư vấn còn 3,8 tỷ đồng, giảm 89%, giảm thu từ xử lý nợ, thẩm định giá và khai thác tài sản còn 69 tỷ đồng, giảm 84% và giảm thu từ môi giới chứng khoán còn 93 tỷ đồng, giảm 63%.

Các mảng kinh doanh khác như ngoại hối đạt hơn 370 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ do tăng chi về các công cụ tài chính phái sinh tiền tệ 844 tỷ đồng cao gấp 2,6 lần.

Lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh cũng giảm 63%, còn 37 tỷ đồng và lãi từ chứng khoán đầu tư giảm 87%, còn 135 tỷ đồng.

Trong quý 1/2023, MB cũng giảm thu từ các khoản nợ đã xử lý cũng như thu nhập khác, khiến lãi thuần từ hoạt động khác giảm 13%, còn gần 467 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động của MB trong kỳ giảm nhẹ 1%, còn chi gần 3.568 tỷ đồng do giảm chi phí cho nhân viên. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 4%, đạt gần 8.362 tỷ đồng.

Tuy nhiên trong kỳ, ngân hàng trích gần 1.850 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 13% do đó MB vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 6.512 tỷ đồng. Nếu so với kế hoạch 26.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm, MB đã thực hiện được gần 25% mục tiêu sau quý đầu năm.

Về quy mô tổng tài sản, tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản tại MB đạt hơn 760.761 tỷ đồng, tăng trưởng 4% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt giảm 21% còn 2.965 tỷ đồng, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm 52% còn 19.077 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 5% đạt 481.386 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, các khoản nợ Chính phủ và NHNN ghi nhận đạt 2.547 tỷ đồng (đều là tiền gửi Kho bạc) trong khi cuối năm 2022 chỉ có gần 32 tỷ đồng. Vốn tài trợ ủy thác đầu tư, cho vay tổ chức tín dụng chịu rủi ro giảm 48% còn 1.038 tỷ đồng, đều là vốn nhận của tổ chức, cá nhân khác.

Phát hành giấy tờ có giá ghi nhận 105.025 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm do tăng chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống. Tiền gửi khách hàng tăng nhẹ 2% lên mức 452,414 tỷ đồng.

Về chất lượng nợ vay, trong 3 tháng đầu năm tình hình nợ vay tại MB cũng kém khả quan khi tổng nợ xấu ghi nhận hơn 8.453 tỷ đồng, tăng 68% so với đầu năm. Trong đó, tỷ lệ nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) đang tăng rất nhanh, gấp 2,1 lần cuối năm ngoái, lên mức 16.675 tỷ đồng. Kết quả đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,09% đầu năm lên 1,76%.

Ngoài ra, trong báo cáo quý 1/2023 cho thấy, MB hiện nắm giữ 42.341 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), giảm 1.237 tỷ đồng so với cuối năm ngoái.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 tổ chức ngày 25/4, nhiều cổ đông lo ngại về chất lượng dư nợ cũng như rủi ro của việc ngân hàng nắm giữ quá nhiều trái phiếu doanh nghiệp. Các cổ đông yêu cầu HĐQT ngân hàng chỉ rõ quy mô cho vay và trái phiếu của Novaland, Hưng Thịnh, Trung Nam là bao nhiêu trong bối cảnh các nhà phát hành này đang có vấn đề về năng lực trả nợ.

Trả lời câu hỏi của cổ đông, Phó Tổng giám đốc thường trực MB Phạm Như Ánh khẳng định, với Hưng Thịnh, MB không cho vay dự án, không sở hữu trái phiếu, chỉ cho vay khoản nhỏ về lĩnh vực xây lắp, hoàn toàn trong khả năng kiểm soát.

Với Trung Nam, cho vay và trái phiếu của Trung Nam đang được hấp thụ vào dự án điện mặt trời. Hiện nay, tập đoàn này vẫn hoàn thành tốt các nghĩa vụ nợ, dự kiến cũng không có nợ xấu trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Với Novaland là đối tác bất động sản lớn, MB có cho vay và phát hành trái phiếu cho Novaland. Tuy nhiên chúng tôi quản lý từng dự án cụ thể.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, MB đặt mục tiêu lãi trước thuế hợp nhất năm 2023 đạt 26.100 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022. Tổng tài sản của MB ước tăng 14% lên 830.000 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ tín dụng dự kiến đạt 583.600 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022 và phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Huy động vốn ước đạt 591.000 tỷ đồng. Ngân hàng cũng dự kiến tỷ lệ nợ xấu kiểm soát không quá 2%.

Tin liên quan

Đọc tiếp