Mekong ASEAN: Ông có thể đánh giá những nét nổi bật về tình hình kinh tế Việt Nam trong những tháng đầu năm cũng như dự báo về tăng trưởng cuối năm 2024?
Ông Đào Ngọc Thắng: Việt Nam đang chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ và lan rộng của kinh tế thời gian qua, với mức tăng trưởng của quý 2 vượt ngoài mong đợi là 6,9%, đưa tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,42%, mức tăng cao thứ hai trong 5 năm gần đây. Trong đó, xuất khẩu, FDI và du lịch đã có nhiều thành tích nổi bật.
Đầu tiên, xuất khẩu hàng hóa nửa đầu năm phục hồi mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 190 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước, với điện tử dẫn đầu và các ngành hàng không phải điện tử cũng đã cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,63 tỷ USD. Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật tiếp tục là các thị trường xuất khẩu chủ lực. Xuất khẩu tăng trưởng cũng sẽ thúc đẩy sản xuất tăng trưởng. Chỉ số PMI tiếp tục cho thấy hoạt động sản xuất đang mở rộng khi tăng lên 54,7 vào tháng 6, mức cao nhất trong 2 năm gần đây.
Điểm sáng thứ hai trong bức tranh kinh tế những tháng đầu năm là vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Việt Nam đang duy trì rất tốt vị thế là một trong những thị trường nhận nhiều FDI nhất trong khối ASEAN. 6 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023. Các dòng vốn gia tăng tập trung trong lĩnh vực sản xuất và bất động sản, với các nhà đầu tư lớn nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore. Lợi thế của Việt Nam trong thu hút FDI chính là nhờ độ mở của nền kinh tế, số lượng FTA đa dạng với nhiều thị trường trên thế giới, lợi thế chi phí, và nguồn nhân lực.
Cuối cùng, du lịch tiếp tục ghi dấu ấn khi Việt Nam thành công thu hút 8,8 triệu lượt khách quốc tế trong nửa đầu năm 2024, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn cả thời điểm trước đại dịch (2019) và dẫn đầu khu vực về thu hút du lịch trong năm 2024.
Với những kết quả tươi sáng này, HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay lên 6,5%. Với mức tăng trưởng này, nhiều khả năng Việt Nam sẽ trở lại vị thế nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2024.
Mekong ASEAN: Với mục tiêu tăng trưởng cả năm Việt Nam đạt 6,5-7%, phấn đấu đạt mức cao 7%, HSBC nhận định như thế nào về mục tiêu này? Đâu là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam thời gian tới, theo HSBC?
Ông Đào Ngọc Thắng: Như đã chia sẻ ở trên, HSBC cho rằng Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm nay. Trong đó, xuất khẩu, FDI và du lịch sẽ vẫn tiếp tục là những động lực mạnh mẽ.
Ngoài ra, lĩnh vực sản xuất trong thời gian qua cũng cho thấy sự phục hồi đáng ngạc nhiên. Chỉ số PMI tăng lên 54,7 trong tháng 6 và tiếp tục duy trì trong tháng 7, cho thấy ngành sản xuất đã sôi động trở lại. Số lượng đơn hàng và việc làm cũng tăng lên đáng kể thời gian vừa qua cho thấy động lực tăng trưởng và triển vọng tươi sáng của ngành, đặc biệt khi về thời điểm mùa lễ hội và mua sắm cuối năm, lúc các đơn đặt hàng thường tăng cao.
Một động lực nữa không nên bỏ qua, chính là kinh tế số. Việt Nam có một nền kinh tế số rất tiềm năng, nhờ vào lực lượng dân số trẻ, gần 80% dân số sử dụng Internet nhờ tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh đã tăng hơn gấp đôi so với cách đây một thập kỷ.
Theo báo cáo về kinh tế điện tử của Đông Nam Á (e-Conomy SEA) năm 2023, Việt Nam là nền kinh tế số phát triển nhanh nhất ở ASEAN với tốc độ tăng trưởng ấn tượng là 20%. Xét về tổng giá trị giao dịch, Việt Nam có tiềm năng để trở thành thị trường công nghệ số lớn thứ nhì khu vực vào năm 2030, chỉ đứng sau Indonesia.
Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế số Việt Nam ước đạt 18,3% GDP, tăng 22,4%. Hiện Việt Nam cũng đang soạn thảo Luật phát triển công nghiệp công nghệ số, dự kiến có thể được thông qua vào năm 2025. Điều này chứng tỏ mức độ quan tâm của Chính phủ trong lĩnh vực này, và tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành.
Cuối cùng là lĩnh vực đầu tư công. Đây là ưu tiên hàng đầu, là dòng vốn quan trọng đối với sự tăng trưởng, đặc biệt là về phát triển cơ sở hạ tầng. Theo Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của cả nước đến hết tháng 7 đạt 32,22% tổng kế hoạch, đạt 34,68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Do đó, chìa khóa để bứt phá tăng trưởng những tháng cuối năm là cần đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công.
Mekong ASEAN: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý 2/2024 tăng 4,39%, 6 tháng đầu năm tăng 4,08%, chuyên gia HSBC nhận định như thế nào về sức nóng lạm phát 6 tháng cuối năm?
Ông Đào Ngọc Thắng: Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% chủ yếu là do chỉ số giá nhóm giáo dục, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng. Bình quân nửa đầu năm, lạm phát cơ bản đã tăng 2,75% so với cùng kỳ năm ngoái. Thời gian qua, chúng ta cũng chứng kiến giá dầu có giảm, nhưng bù lại giá thịt lợn tăng do dịch tả lợn châu Phi từ đầu năm nay. Tuy nhiên, HSBC vẫn khá lạc quan về bức tranh lạm phát trong thời gian tới.
HSBC nhận thấy rằng ngoại trừ diễn biến xấu của dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn, lạm phát khả năng đã đạt đỉnh. Khi hiệu ứng cơ sở thuận lợi bắt đầu có tác động trong nửa cuối năm 2024, chúng tôi dự báo lạm phát bình quân 6 tháng cuối năm sẽ còn hơn 3% một chút, nhiều khả năng đưa lạm phát bình quân của cả năm 2024 xuống 3,6%.
Mekong ASEAN: Liên quan đến vấn đề tỷ giá, từ đầu năm đến nay, tỷ giá đã biến động gần 5%. Theo chuyên gia, tỷ giá năm 2024 sẽ diễn biến như thế nào và cần có kịch bản ứng phó biến động ra sao?
Ông Đào Ngọc Thắng: HSBC cho rằng tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục chịu áp lực khi các yếu tố bên trong lẫn bên ngoài chưa có dấu hiện chuyển biến tích cực. Thu nhập sơ cấp thâm hụt 7,7 tỷ USD, là mức thâm hụt lớn nhất trong lịch sử. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn chưa cắt giảm lãi suất, giá trị đồng USD vẫn neo cao.
Tính đến giữa tháng 7, trên thị trường chứng khoán, khối ngoại liên tục bán ròng kể từ đầu năm do áp lực tỷ giá và sự dịch chuyển dòng vốn về nơi có mức độ sinh lời tốt hơn. Ngoài ra, kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới cũng như các căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu vẫn còn hiện diện, tất cả sẽ tạo nên nhiều biến động trên thị trường tài chính và thách thức cho tỷ giá.
Tuy vậy, vẫn có điểm tích cực. Kinh tế Mỹ vừa có kết quả tăng trưởng quý 2 vượt dự báo, ở mức 2,8%, gấp đôi quý 1/2024, nhờ ba động lực chính là tiêu dùng, đầu tư và chi tiêu công. Lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt, tỷ lệ thất nghiệp thấp và lương thực tế tăng, đây là những yếu tố có thể thúc đẩy Fed có động thái giảm lãi suất trong thời gian sắp tới.
Trước khi có bất cứ chuyển biến tích cực thực tế nào đối với tỷ giá, chính sách điều hành tỷ giá cần được duy trì linh hoạt, chủ động. Với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu, các chính sách phòng vệ rủi ro tỷ giá thông qua việc tham gia các sản phẩm phòng vệ như kỳ hạn, hoán đổi theo quy định của pháp luật là cần thiết để chủ động quản lý dòng tiền, chi phí.
Mekong ASEAN: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!