Ảnh minh họa. |
Trong báo cáo triển vọng thị trường tháng 6 vừa cập nhật, Chứng khoán VNDirect cho biết, dòng tiền trong nước có dấu hiệu quay trở lại kênh chứng khoán trong bối cảnh lãi suất có xu hướng giảm rõ rệt. Giá trị giao dịch bình quân ba sàn trong tháng 5 tăng 4,7% so với tháng trước, lên 13.905 tỷ đồng/ngày.
Hiện tại, chỉ số VN-Index đang giao dịch tại mức 0,8 lần P/E trung bình 5 năm và 0,7 lần P/B trung bình 5 năm. Lãi suất tiền gửi 12 tháng duy trì xu hướng giảm trong tháng 5 với mức giảm khoảng 0,3-0,4 điểm %. Tuy nhiên, tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) của VN-Index cũng giảm xuống còn 8% do lợi nhuận chung toàn thị trường tăng trưởng âm trong quý 1/2023.
Kết hợp với tỷ suất cổ tức ở mức 1,7%, chênh lệch giữa tỷ suất lợi tức thị trường và lãi suất tiền gửi hiện ở mức khoảng 2,7%, khá hợp lý ở thời điểm hiện tại. Nếu lãi suất huy động tiếp tục giảm trong khi lợi nhuận phục hồi kể từ quý 3/2023 trở đi, VNDirect cho rằng thị trường sẽ được định giá lại ở mức cao hơn.
Công ty chứng khoán nhận định, những tín hiệu tích cực có thể giúp chỉ số bứt phá qua vùng kháng cự mạnh 1.080- 1.100 điểm để hướng tới các cột mốc cao hơn trong tháng 6. “Nhà đầu tư có thể tận dụng các phiên điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, ưu tiên cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng hoặc được hưởng lợi từ chính sách và xu hướng lãi suất giảm”, VNDirect khuyến nghị.
Giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn. |
Nhóm ngành nào hưởng lợi khi lãi suất giảm?
Về chiến lược cụ thể, công ty chứng khoán đánh giá, đầu tư công vẫn là câu chuyện tâm điểm xuyên suốt năm 2023.
Lãi suất giảm cũng có tác động tích cực tới một loạt nhóm ngành. Theo VNDirect, sau động thái hạ lãi suất điều hành của NHNN, nhiều ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay 0,3-0,5% đối với tất cả khách hàng hiện hữu. Nhóm dự kiến giảm lãi suất đợt tới sẽ tập trung ở các ngân hàng tư nhân từ đầu năm đến nay chưa điều chỉnh lãi với những khoản vay cũ.
Lãi suất cho vay giảm sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí vốn, trong đó nổi bật là những ngành có nợ vay ròng cao như điện, xây dựng hạ tầng, sắt thép, xi măng, bất động sản. Bên cạnh đó không thể không nhắc tới ngành chứng khoán khi đây là ngành được hưởng lợi cả đầu vào (giảm chi phí vốn) cũng như đầu ra nhờ thanh khoản thị trường cải thiện và nhu cầu sử dụng margin tăng lên khi mặt bằng lãi suất hạ xuống.
Quy hoạch điện VIII chính thức được ban hành có tác động tích cực tới nhóm ngành điện. Đáng chú ý, nhu cầu điện tăng đột biến trong bối cảnh thủy điện cạn nước sẽ là cơ hội cho nhóm nhiệt điện.
Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển điện gió và điện khí trong 2021-2030. |
VNDirect lựa chọn 5 cổ phiếu tiềm năng cho triển vọng thị trường tháng 6, gồm: MBB, PC1, POW, SZC, TCB, trong đó đặt kỳ vọng lớn nhất dành cho MBB (Ngân hàng TMCP Quân đội) với tiềm năng tăng giá 56% so với mức 19.000 đồng/cp hiện tại.
Nhóm phân tích đánh giá, chất lượng tài sản của ngân hàng thực tế tốt hơn thị trường đang phản ánh khi Novaland đang có những dấu hiệu tích cực trong việc tái cơ cấu, cho vay Trung Nam chỉ ở các dự án điện mặt trời với giá FIT 1, và với Hưng Thịnh, MBB không cho vay dự án bất động sản hay đầu tư trái phiếu, có cho vay xây lắp nhưng không nhiều.
Nền tảng tăng trưởng dài hạn của MBB vẫn vững chắc với lợi thế chi phí vốn trong nhóm thấp nhất thị trường và hệ sinh thái dịch vụ tài chính đa dạng, cùng với sự hỗ trợ của cổ đông lớn Viettel, doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Việt Nam.
Kết quả kinh doanh quý 1/2023 của MBB tương đối tốt với lợi nhuận tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 25% kế hoạch cả năm. NIM chỉ giảm nhẹ và vẫn duy trì được ở mức dẫn đầu thị trường. Điểm trừ là nợ xấu và nợ đáng chú ý có tăng mạnh.
MBB hiện đang giao dịch ở mức định giá hấp dẫn với P/B 1,1x, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 3 năm là 1,5x. VNDirect kỳ vọng ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì tăng tăng trưởng lợi nhuận kép trên 15% trong 3 năm tới, sau khi đã tăng trưởng mạnh trung bình 30% trong 3 năm vừa qua.