Lai Châu: Đặc sắc nét văn hóa của người Thái tại Lễ hội Nàng Han

văn hóa lai châu
19:02 - 05/03/2023
Các cô gái Thái múc nước tại nơi Nàng Han tắm gội sau khi đánh thắng giặc trước khi bay về trời.
Các cô gái Thái múc nước tại nơi Nàng Han tắm gội sau khi đánh thắng giặc trước khi bay về trời.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ hội Nàng Han được tổ chức từ ngày 5/3 - 6/3 (tức 14 - 15 tháng 2 âm lịch) tại bản Tây An, xã Mường So, huyện Phong Thổ (Lai Châu), nhằm tri ân nữ anh hùng Nàng Han trong truyền thuyết và cầu mong sự no ấm, cuộc sống an lành, mùa màng tươi tốt.

Được tổ chức hàng năm từ năm 2008 tới nay, lễ hội là dịp để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Sau 10 năm phục dựng, phần lễ cơ bản được tổ chức theo đúng phong tục truyền thống; phần hội có thêm nhiều trò chơi dân gian đặc sắc của người Thái.

Những năm gần đây, lễ hội được tổ chức thường niên, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham gia. Nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái trắng khu vực Mường So, Khổng Lào, huyện Phong Thổ ngày càng được bảo tồn và phát huy lan tỏa.

Lễ hội Nàng Han gồm 2 phần gồm phần lễ và phần hội. Với phần lễ, thầy tế thực hiện cúng và dâng hương tại Đền thờ Nàng Han. Vật phẩm dâng lên Nàng Han gồm hương, hoa, nông sản và thực phẩm do chính dân bản làm ra. Lễ cúng đền thờ Nàng Han có nhiều nghi thức độc đáo, đặc sắc.

Tại phần hội, người dân biểu diễn, giao lưu văn nghệ cùng với thi ẩm thực, thể thao (kéo co, đẩy gậy, ném còn, đánh én, bắn nỏ, tó má lẹ...), những hoạt động này thể hiện sự đa dạng và đặc sắc trong cuộc sống, tập tục, văn hóa của người Thái.

Đến với lễ hội, du khách được hòa mình vào các trò chơi dân gian truyền thống và thưởng thức hương vị nhiều món ăn độc đáo, mang đậm phong vị núi rừng Tây Bắc, như thịt sấy, cá bống vùi tro, rêu nướng, xôi ngũ sắc…

Lễ hội còn là dịp để nhân dân các dân tộc giao lưu văn hóa, tình cảm, tăng thêm sự hiểu biết, tạo điều kiện để các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian phát triển, kết hợp giữa văn hóa truyền thống với văn hóa đương đại.

Lễ hội cũng là dịp để giới thiệu, tôn vinh và quảng bá bản du lịch cộng đồng Vàng Pheo và các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của các dân tộc huyện Phong Thổ, góp phần phát huy tiềm năng du lịch, thu hút du khách thập phương và các nhà đầu tư.

Tương truyền, Nàng Han xuất thân trong một gia đình nghèo người Thái ở Chiềng Sa (nay là xã Mường So). Nàng Han cải trang thành nam giới, đứng lên kêu gọi thanh niên trai tráng các bản đoàn kết đánh giặc ngoại xâm. Nàng đứng đầu cuộc khởi nghĩa của đồng bào 16 xứ Thái quật cường đánh bại giặc xâm lược phương Bắc.

Sau khi dẫn đoàn quân thắng trận trở về, nàng tắm gội ở mó nước Tây An (xã Mường So) rồi bay lên trời. Từ đó, nhớ công ơn của nàng, bà con lập đền thờ và tổ chức lễ hội ngay ở mó nước nàng tắm. Đối với người Thái trắng ở Phong Thổ, hình tượng Nàng Han có vai trò vô cùng đặc biệt trong đời sống tâm linh. Nàng Han như một vị thần che chở, bảo vệ cho muôn dân, bản mường.

Tin liên quan

Đọc tiếp