Các chuyên gia kiểm tra giống sâm Lai Châu. Ảnh: UBND tỉnh Lai Châu. |
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lai Châu, sâm Lai Châu có nguồn gen đặc biệt quý hiếm. Đến nay, địa phương đã thu hút được gần 30 doanh nghiệp vào đầu tư, bảo tồn khoảng 1.200 cây sâm mẹ, phát triển trồng khoảng 20ha và hiện còn khoảng 3.000ha phù hợp để trồng sâm.
Thông tin tại Diễn đàn "Phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái”, ngày 7/7, ông Nguyễn Trọng Lịch, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lai Châu khẳng định, cây Sâm Lai Châu được tỉnh xác định là loài cây đặc hữu, có tiềm năng, thế mạnh lớn trong phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.
Theo đó, tỉnh Lai Châu sẽ tham gia vào Chương trình phát triển Sâm Việt Nam và xây dựng Kế hoạch phát triển Sâm Lai Châu với quy mô phát triển đến năm 2030 là 3.000ha và đến năm 2045 phát triển mới thêm 7.000ha, qua đó đưa tổng diện tích Sâm Lai Châu lên 10.000 ha.
Ảnh: UBND tỉnh Lai Châu "Để hiện thực hóa mục tiêu này, UBND tỉnh Lai Châu định hướng thu hút đầu tư xây dựng 7 cơ sở sản xuất cây giống dược liệu. Trong đó 5 cơ sở có sản phẩm chính là cây giống Sâm Lai Châu và 2 trung tâm sản xuất giống công nghệ cao, 1 cơ sở chế biến các sản phẩm dược liệu và 2 nhà máy chế biến sản phẩm Sâm Lai Châu”.
Phát triển sâm Lai Châu gắn với du lịch cộng đồng
Tán thành định hướng của UBND tỉnh Lai Châu, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Bộ NN&PTNT khẳng định, phát triển dược liệu đang là thế mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao tại nhiều tỉnh miền núi, trong đó có Lai Châu.
Tuy nhiên, các địa phương, doanh nghiệp đang gặp khó khăn về đầu ra, nâng cao giá trị thương hiệu, giá bán. Việc này đòi hỏi cần đổi mới sáng tạo để phát triển chuỗi giá trị dược liệu gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng.
“Vì cây dược liệu thường gắn với chỉ dẫn địa lý, gắn đến những vùng sinh thái đặc biệt, gắn đến văn hóa, gắn đến truyền thống, gắn đến sự phát triển của một cộng đồng nào đó. Do đó, chúng ta phải khai thác dược liệu với góc độ đa giá trị và dự địa cho một cây dược liệu cũng chính là dư địa cho phát triển du lịch”, ông Thanh nhấn mạnh.
Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở để phấn đấu diện tích trồng sâm Việt Nam đạt khoảng 31.000 ha vào năm 2030 và 100% diện tích sâm Việt Nam được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý. Đến năm 2045, Việt Nam phấn đấu trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương.
Tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhóm hộ đã đưa ra nhiều ý kiến tập trung vào việc tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển dược liệu dưới tán rừng.
Một trong số ý kiến đó đến từ ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Công ty nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh, hiện đang trồng sâm Lai Châu trên địa bàn huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, mục tiêu hướng đến xây dựng mô hình trồng sâm gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Mô hình của ông Thái được thực hiện thông qua việc xây dựng các homestay để du khách tới khám, phá trải nghiệm kết hợp du lịch và sử dụng các sản phẩm từ sâm.
Đóng góp giải pháp phát triển cây Sâm Lai Châu gắn với du lịch, ông Thái kiến nghị Trung Tâm khuyến nông Quốc gia, các Bộ/ngành và UBND tỉnh sớm có những đề xuất kiến nghị với Chính phủ tháo gỡ khó khăn trong việc xác minh nguồn gốc sâm Lai Châu.