Đây là nhận định của ông Nguyễn Sĩ Đăng, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tại diễn đàn: “Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam” do VCCI tổ chức ngày 17/10.
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Thu Thảo/Mekong ASEAN. |
Không nằm ngoài xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu
Theo kịch bản phát triển Quy hoạch điện VIII, Việt Nam có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu năng lượng từ than đá và nhiên liệu sang điện năng, cùng các nguồn năng lượng phát thải thấp khác. Mức tiêu thụ khí đốt cũng được dự báo tăng trong trung và dài hạn. Mục tiêu dài hạn của chiến lược là xây dựng lộ trình để các nhà máy điện khí LNG chuyển đổi sang kết hợp hydro vào cơ cấu phát điện.
Theo Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, tương ứng với sự phát triển của thị trường năng lượng toàn cầu, Việt Nam đã và đang xây dựng một chính sách phát triển năng lượng rõ ràng, dài hạn và có thể dự đoán được là điều kiện tiên quyết cho chuyển dịch năng lượng bền vững.
“Quá trình chuyển dịch năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng, nếu được thực hiện tốt, sẽ thúc đẩy Việt Nam đạt được đồng bộ các mục tiêu về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đáp ứng được tầm nhìn dài hạn của đất nước,” ông Hoàng Quang Phòng nói.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, chuyển dịch năng lượng toàn cầu đang diễn ra với xu hướng chính là: phi tập trung hoá, phi carbon hoá và số hoá.
Theo ông Lâm, không nằm ngoài xu thế, từ năm 2015 đến nay, hệ thống điện quốc gia đã tăng trưởng 2,1 lần, đưa Việt Nam đứng vị trí số một ở Đông Nam Á và vị trí thứ 22 trên thế giới về công suất lắp đặt. Về truyền tải, hiện Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về lưới điện 500kV và 220kV , còn lưới điện 110 kV hiện đứng thứ 2 khu vực.
Đặc biệt, trong công suất lắp đặt hiện nay ở Việt Nam, có tới 80.500 MW công suất từ nguồn năng lượng tái tạo. Từ năm 2017 đến nay, với chính sách khuyến khích của Đảng, Chính phủ, năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã phát triển nhanh. Hiện điện gió và mặt trời chiếm 27% công suất lắp đặt, và là mức tỷ trọng cao trên thế giới.
Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm nêu ý kiến tại diễn đàn. Nguồn: VCCI. |
Tuy nhiên, chuyển dịch năng lượng vẫn đang đặt ra những thách thức lớn. Lãnh đạo EVN chỉ ra, một trong những thách thức lớn nhất là việc đầu tư đường dây truyền tải, phân phối để giải toả công suất, nhất là trong bối cảnh năng lượng tái tạo phát triển nhanh những năm qua.
Tiếp đó là thách thức trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Hiện nay, điện gió và mặt trời cung cấp cho nền kinh tế Việt Nam khoảng 35 tỷ kWh, chiếm 12% trong tổng nhu cầu sử dụng điện cả nước.
Tuy nhiên, năng lượng tái tạo lại phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, như điện mặt trời theo giờ trong ngày, điện gió lại theo mùa. Đối diện với thách thức này, ông Lâm cho biết, hiện EVN đang xây dựng các nhà máy thuỷ điện mở rộng trên cơ sở nhà máy điện hiện hữu, như nhà máy thuỷ điện Hoà Bình được xây dựng thêm 2 tổ máy, dự kiến khánh thành vào quý 4 năm sau. Sớm nhất là nhà máy thuỷ điện Yaly mở rộng được khánh thành vào tháng 11 năm nay.
Các tổ máy mở rộng này sẽ góp phần đảm bảo công suất cho hệ thống điện, nhất là ở những thời điểm không thuận lợi cho năng lượng tái tạo từ điện mặt trời và điện gió. Bên cạnh đó, EVN cũng đang triển khai xây dựng nhà máy thuỷ điện tích năng Bác Ái với công suất 1200MW thực hiện nhiệm vụ lưu trữ điện.
Việt Nam trong công cuộc tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu
Bên cạnh những thách thức hiện hữu, ông Nguyễn Sĩ Đăng, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ cho rằng, việc chuyển dịch sang năng lượng tái tạo sẽ đem đến không chỉ những cơ hội tốt cho Việt Nam bởi nhiều tiềm năng đang có, mà còn có thể biến Việt Nam trở thành trung tâm về chuyển đổi năng lượng, ít nhất là trong khu vực Đông Nam Á.
Ông Nguyễn Sĩ Đăng, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại diễn đàn. Nguồn: VCCI. |
"Một trong những yêu cầu để Việt Nam có thể đạt được những mục tiêu này là phải đảm bảo tự chủ công nghệ. Sự tự chủ về năng lượng không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề về an ninh năng lượng," ông Đăng nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Đăng, trong quá trình chuyển đổi cần dựa vào những ưu thế Việt Nam đang có. Các nguồn điện đã làm chủ về công nghệ thì cần phải duy trì, không nên thay đổi một cách quá chóng vánh.
"Bởi trong Quy hoạch điện VIII vẫn nói đến vai trò của thủy điện, chưa kể trong những năm qua, Việt Nam đã làm chủ được công nghệ của nguồn năng lượng này và tạo ra được nguồn cung dồi dào, điển hình là thủy điện Sơn La. Vì vậy, không nên từ bỏ nguồn năng lượng này mà cần có lộ trình chuyển đổi phù hợp", ông Đăng nói.
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cũng lưu ý, đông lực chuyển đổi năng lượng xuất phát từ tiềm năng và tạo ra các cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu gồm 4 khâu: sản xuất, truyền tải, phân phối, tiêu thụ. Trong đó, các doanh nghiệp nên tập trung vào các khâu tiềm năng, tạo ra lợi nhuận nhất như sản xuất, phân phối.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên tìm kiếm cơ hội từ chuyển dịch năng lượng để làm chủ công nghệ tiên tiến thông qua việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Cùng bàn về vấn đề này, ông Abhinav Goyal, Giám đốc Dịch vụ tư vấn Dự án Đầu tư và Cơ sở hạ tầng của PwC Việt Nam đánh giá, tại Việt Nam, chuỗi cung ứng cho nguồn cung năng lượng hiện vẫn phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu.
"Trong Quy hoạch điện VIII, có thể thấy sự tiến bộ đáng kể trong chính sách của Việt Nam, cũng như quyết tâm của Chính phủ trong việc nội địa hóa chuỗi cung ứng, thông qua việc thành lập các trung tâm dịch vụ và công nghiệp tái tạo liên vùng. Mặc dù vậy, tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam vẫn còn thấp," ông Goyal nói.
Cụ thể, theo ông Goyal, mặc dù ngành công nghiệp sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời hoặc tua bin gió tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhưng khi nhìn vào chuỗi cung ứng linh kiện của ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam, gần 90% nguồn cung được nhập khẩu từ các quốc gia khác.
"Tuy nhiên, khi nhu cầu năng lượng tái tạo ngày càng phát triển mạnh mẽ, sẽ có nhiều cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu," ông Goyal nói.
Ông Abhinav Goyal, Giám đốc Dịch vụ tư vấn Dự án Đầu tư và Cơ sở hạ tầng PwC Việt Nam trao đổi với báo chí bên lề sự kiện. Ảnh: Thu Thảo/Mekong ASEAN. |
Chia sẻ với báo chí, ông Goyal cho rằng, để thúc đẩy hơn nữa chuỗi cung ứng cho chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, cần giải quyết các thách thức về tài chính, như đa dạng hóa các sản phẩm tài chính để phù hợp với các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là vốn vay ưu đãi, tài chính hỗn hợp và các cơ chế tài chính khí hậu mới.
Bên cạnh đó, cần thu hẹp khoảng cách năng lực trong chuỗi cung ứng địa phương thông qua việc thúc đẩy liên doanh và chuyển giao công nghệ, kiến thức giữa các công ty trong nước và các công ty nước ngoài có kinh nghiệm trong sản xuất, linh kiện năng lượng tái tạo. Đồng thời, cung cấp các ưu đãi cho các doanh nghiệp địa phương đầu tư, phát triển năng lực,...
Đặc biệt, ông Goyal cũng cho rằng, việc cải thiện các nút thắt về quy định cũng rất quan trọng, bao gồm đơn giản hóa và đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các dự án năng lượng tái tạo để thu hút đầu tư; xây dựng cơ chế đặc biệt để thí điểm các dự án đổi mới sáng tạo với quy mô hợp lý để nâng cao năng lực quốc gia trước khi nhân rộng sang các dự án thương mại.